Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Những bảo vật của vua Hàm Nghi

Hai thanh kiếm của vua Hàm Nghi - Ảnh: TNO
Những bảo vật của vua Hàm Nghi để lại trên đường xuất bôn khởi chiếu Cần Vương được người dân xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) gìn giữ hơn 100 năm nay.

Giấc mộng trên đường bôn tẩu

Sử sách chép rằng vào đêm 23 tháng 5 Ất Dậu (tức ngày 5.7.1885), kinh thành Huế thất thủ. Vua Hàm Nghi (lúc đó mới 14 tuổi) cùng đoàn xa giá chạy ra Quảng Trị rồi vượt qua Lào, theo đường Trìm Trẹo tìm đến vùng đất Hương Khê. Tại đây, vua đã chọn thành Sơn Phòng làm căn cứ chống Pháp. Lãnh binh người Hà Tĩnh là Phan Mỹ, Lê Ninh liền đưa 500 quân đến canh phòng, bảo vệ nhà vua. Chí sĩ Phan Đình Phùng được vua mời lên yết kiến và giao nhiệm vụ. Vua Hàm Nghi đã ban chiếu Cần Vương lần hai tại đây để tố cáo mưu đồ xâm lược của thực dân Pháp, thể hiện rõ thái độ và ý chí quyết tâm kêu gọi nhân dân đứng dậy chống giặc.

Tương truyền đêm 20.9.1885, vua nằm ngủ tại thành Sơn Phòng thì thấy một nữ thần đến báo mộng: “Hãy nhanh chóng rời khỏi nơi này, bọn bạch quỷ (giặc Pháp) đang đến rất gần, cần phải định liệu ngay”. Tỉnh dậy, vua hỏi người dân địa phương, họ nói gần đó có đền Trầm Lâm thờ một nữ thần. Vua liền gọi cận thần đến thông báo giấc mộng và giao cho Tôn Thất Thuyết chuẩn bị các lễ vật đến ngôi đền tạ lễ. Năm ngày sau, vua đến đền Trầm Lâm, ban sắc phong cho nữ thần kèm theo những phẩm vật quý giá, gồm: vi bố (màn bằng gấm có gắn 35 lục lạc bằng đồng dành cho vua); 8 bộ áo mũ triều thần; 20 chiếc cờ lộng, tàn quạt; 2 con voi bằng vàng (một con đúc bằng 17 chỉ và một con 27 chỉ vàng ta); một con nghê và một con voi bằng đồng; 2 kiếm lệnh lưỡi thép cán gỗ chạm hình rồng phượng, sơn son thiếp vàng.

Hai con voi bằng vàng, con voi
và con nghê bằng đồng - Ảnh:
TNO

Hoàng bào của vua Hàm Nghi -
Ảnh: TNO

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, những bảo vật này còn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Hai con voi bằng vàng, con voi và con nghê bằng đồng sắc màu còn tươi mới. Hai lưỡi kiếm tuy hơi xỉn màu nhưng cán gỗ vẫn giữ nét sơn son. Tám bộ áo mũ triều thần, nhất là hai chiếc hoàng bào còn y nguyên những đường thêu rồng bay phượng múa.

Gìn giữ muôn đời

Bên trong một căn nhà cấp bốn nằm bên rìa làng, bàn thờ vua Hàm Nghi được lập trang trọng ở ngay gian chính. Trước linh ảnh đức vua là một bát hương cắm đầy chân nhang. Những bảo vật quý báu của vua được đựng trong két sắt và hai cái tủ để ngay cạnh bàn thờ. Ngoài sắc phong của vua Hàm Nghi, còn có 37 đạo sắc khác của các vua triều Nguyễn phong cho các vị thần ở đền Trầm Lâm và đền Công Đồng ở cạnh thành Sơn Phòng. Chủ nhân căn nhà là cụ Lê Khắc Tùng, mà dân địa phương gọi là cụ đạo Tùng. Cụ Tùng là người thứ 14 được dân làng giao nhiệm vụ gìn giữ những bảo vật của vua ban. “Bảo vật không chỉ của riêng xã Phú Gia này mà là của giang sơn. Chúng tôi tự hào vì mình cũng góp công gìn giữ và bảo vệ những bảo vật quý cho đất nước”, cụ Tùng bảo.

"Các bảo vật của vua Hàm Nghi cũng đã từng được trưng bày lần đầu tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 7.2007. Sau đó, chúng tôi lại trả về cho người dân địa phương bảo quản, gìn giữ vì với họ những bảo vật này khó có thể tách rời làng."

Ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh

Việc cử người thờ phụng vua, gìn giữ bảo vật đã thành lệ từ lâu. Mỗi năm, làng chọn ra một người. Người được chọn phải có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm và tinh thần hy sinh với cộng đồng. Cứ mỗi độ xuân về, trước khi chuyển bảo vật đến nhà cụ đạo mới (do dân đề cử), những bô lão trong làng đến làm lễ xin keo (gieo quẻ) để xin thánh ý vua. Nếu không được đồng ý thì bảo vật tiếp tục được lưu giữ lại nhà cụ đạo cũ. Lễ rước linh ảnh vua và bảo vật được dân làng tổ chức trang nghiêm, thành kính.

Từ nhiều đời nay, ở làng này ai được chọn làm cụ đạo là niềm tự hào, vinh dự lớn. Cụ Trần Văn Nhung, 82 tuổi, người từng giữ gìn bảo vật 31 tháng, vẫn còn rất tự hào kể về thời gian cụ được giao trọng trách giữ bảo vật. Căn nhà cụ lợp tranh, vách gỗ, sợ kẻ gian dòm ngó trộm mất bảo vật, mỗi ngày cụ phải nhiều lần thay đổi địa điểm cất giấu. Đêm đến, hễ nghe tiếng động lạ là cụ trở dậy, đề phòng có phải kẻ gian rình mò.

Trong làng, người có công gìn giữ bảo vật lâu nhất là cụ Dương với 16 năm. Cụ Dương từng phải khoét cột nhà cất giấu bảo vật đề phòng kẻ gian lấy trộm. Cụ mất, con cái nghèo, mới đây, một người hảo tâm đã góp tiền cùng dân làng xây cho cụ nấm mộ. Cụ Nhung kể: thời đói kém, nhiều người ngoài Bắc từng vào gạ gẫm đổi mua bảo vật nhưng bị dân làng đuổi đi. Ở làng hiện còn lưu truyền câu chuyện huyền bí liên quan đến bảo vật. Thời chống Pháp, có một anh trong làng vì nghèo đói, thấy bảo vật quý nên nổi lòng tham lấy trộm một con voi bằng vàng. Anh ta về nói với vợ rồi băng rừng sang Lào đổi lấy 9 con trâu. Trên đường lùa trâu về, bất ngờ anh ta bị một con trâu lồng lên húc chết. Người vợ ở nhà cũng tự nhiên nổi điên giết chết đứa con của mình. Dân làng đến thăm hỏi, biết chuyện thì sợ hãi, cử người sang Lào lần tìm đổi lại được bảo vật mang về. Những câu chuyện pha chút huyền bí liên quan đến bảo vật của vua Hàm Nghi, người dân ở Phú Gia ai cũng tỏ. Họ truyền tai nhau khiến kẻ gian cũng sợ không dám màng đến.

Dấu tích còn lại hiện nay của thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm thờ Đức Thánh mẫu và đền Công Đồng vẫn còn được lưu giữ tại Phú Gia. Thành Sơn Phòng vốn được đắp bằng đất, hình vuông mỗi cạnh hơn hai trăm mét, cao hơn 2 mét, nằm ở vị trí hiểm yếu. Phía ngoài thành có hào sâu để ngăn địch, có đường thoát hiểm ra sông Tiêm vào rừng. Trong thành có điện của vua Hàm Nghi và các đại thần như Tôn Thất Thuyết, có hồ voi tắm, cột cờ. Trải qua hơn một thế kỷ với nhiều biến thiên, những công trình này hiện chỉ còn lại dấu vết. Năm 2001, quần thể di tích thành Sơn Phòng (gồm cả đền Trầm Lâm, đền Công Đồng) được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Hai ngôi đền nằm gần thành, thời gian đã làm cho hoang phế, hiện đang được người dân chung tay tôn tạo, giữ gìn.

Chống hát "nhép": Thuốc chưa đủ liều

PN - Vấn nạn hát "nhép" trong hoạt động biểu diễn một lần nữa lại "nóng" lên khi mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch) có công văn gửi các sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh yêu cầu tăng cường kiểm tra, nghiêm khắc xử lý hành vi dùng giọng hát trong thu băng, đĩa để thay thế giọng hát thật của người biểu diễn (thường được gọi là "hát nhép").

Tuy nhiên, yêu cầu này liệu có đủ "sức nặng" hạn chế vấn nạn hát nhép, vốn đã trở thành chuyện: biết rồi, khổ lắm nói mãi?

Hát nhép là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động biểu diễn đã được quy định trong nhiều văn bản từ Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh văn hóa công cộng đến Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đều quy định rõ "nghiêm cấm dùng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật của người biểu diễn". Hình thức chế tài cho cá nhân, tổ chức vi phạm từ hoạt động này cũng đã có. Theo NĐ56/CP mức xử phạt cho việc hát nhép từ 2-5 triệu đồng.

Để dẹp vấn nạn hát "nhép" cần có nỗ lực từ nhiều phía - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tuy nhiên, quy định là một chuyện, tình trạng ca sĩ, nghệ sĩ hát nhép trong các chương trình ca nhạc, trong các sân khấu lớn vẫn ngày càng phổ biến. Trên mặt báo, chuyện hát nhép đã được phản ánh không ít. Mới đây là vụ nghi vấn hát nhép trong chương trình Hợp xướng Lục Vân Tiên với dàn xướng ca trên 100 người biểu diễn ở Nhà hát TP.HCM vào đầu tháng 9/2009, bị coi là có một số đoạn trình diễn "nhép". Cũng trong thời gian này, nhóm nhạc Credo mới qua ba buổi biểu diễn ra mắt tại Nhạc viện TP.HCM cũng đã "lùm xùm" chuyện nghi ngờ có hát nhép một số bài hát trong chương trình. Song thực hư chuyện có hát nhép hay không tại hai chương trình trên vẫn chưa tỏ, vì đơn vị quản lý văn hóa không đưa ra kết luận gì.

Đề cập đến vấn nạn hát nhép, ông Võ Trọng Nam - Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật - Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM cho biết: "Không phải đợi đến khi có công văn của Cục vừa rồi chúng tôi mới quan tâm đến chuyện hát nhép trong hoạt động biểu diễn. Thời gian qua Sở đã làm nhiều về vấn đề này rồi. Thực tế là đã có một số trường hợp ca sĩ bị cảnh cáo (cách đây bốn năm, Sở đã cảnh cáo hai ca sĩ T.T.L. và Q.H. hát nhép trong một chương trình ca nhạc xuân - PV). Một số trường hợp, khi phúc khảo, phát hiện ca sĩ hát nhép, chúng tôi đã yêu cầu không cho ca sĩ này biểu diễn trong chương trình chính".

Tuy nhiên, cái khó hiện nay đối với cơ quan quản lý nhà nước là ở khâu hậu kiểm. "Ở các buổi biểu diễn phúc khảo, thường các ca sĩ, nghệ sĩ họ hát thật. Nhưng đến khi ra sân khấu họ "hát nhép" thì đành chịu. Với địa bàn TP.HCM hiện nay có trên 100 tụ điểm biểu diễn, chưa kể các đoàn địa phương khác hàng ngày, hàng tuần đến giao lưu biểu diễn... trong khi đó, lực lượng làm công tác quản lý nhà nước như chúng tôi lại "mỏng" vì vậy khó có thể giám sát hết được" - ông Trọng Nam thừa nhận.

Để giải quyết tận gốc vấn nạn "hát nhép", thiết nghĩ một mình cơ quan quản lý nhà nước khó kham nổi mà phải có sự hợp lực từ nhiều phía, nhất là vai trò của các bầu show, từ đài truyền hình, các tụ điểm tổ chức và ý thức nghề nghiệp của người biểu diễn...

Đà Lạt - rực rỡ không gian hoa

PN - Festival hoa Đà Lạt sẽ diễn ra trong tuần đầu tiên của năm mới 2010 (từ 1 - 4/1). Đây là festival hoa lần thứ ba của Đà Lạt, sau festival hoa năm 2005 và 2007.

Một không gian hoa rực rỡ sắc màu sẽ bao quanh Hồ Xuân Hương, công viên Xuân Hương, đường Hồ Tùng Mậu, đường Trần Quốc Toản, phố Lê Đại Hành, khu biệt thự Trần Hưng Đạo. Trong ba ngày từ 2 - 4/1 sẽ có những phiên chợ hoa trên đường Nguyễn Thái Học với trên 50 gian hàng hoa. Tại đây sẽ diễn ra những giao dịch, hợp đồng hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa. Với tinh thần xã hội hóa, festival hoa có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tại địa phương... Trên 11 ngàn mét vuông bờ Hồ Xuân Hương trở thành tấm thảm hoa rực rỡ sắc màu của rất nhiều loài hoa Đà Lạt.

Đến với festival hoa Đà Lạt năm nay, du khách không chỉ được thỏa sức ngắm hoa mà còn có thể tham gia các tour du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái, thăm các làng hoa truyền thống như làng hoa Hà Đông (làng hoa đầu tiên của Đà Lạt), Thái Phiên, Vạn Thành, An Sơn, Xuân Trường. Du khách cũng có thể tham gia Hội thi cắm hoa, ngày hội xe đạp đôi quanh Hồ Xuân Hương, ngày hội leo núi chinh phục đỉnh Lang Bian, đêm hội tình yêu tại khu du lịch thung lũng Tình yêu, đêm hội rượu vang và dạ vũ đường phố...

Đà Lạt khởi động festival hoa bằng hàng loạt sự kiện khá ấn tượng như khai trương Nhà ga hàng không quốc tế Liên Khương, hoàn thành việc trùng tu và đưa vào sử dụng khu biệt thự cổ đường Trần Hưng Đạo. Cũng trong dịp này, Trung tâm lưu trữ quốc gia IV tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho tài liệu mộc bản triều Nguyễn (hiện đang lưu giữ tại Đà Lạt).

Giải thưởng Âm nhạc 2009: Ca khúc "được mùa"

PN - Hội Nhạc sĩ VN vừa công bố giải thưởng Âm nhạc năm 2009 ở ba thể loại: thanh nhạc, khí nhạc và lý luận. Giải thưởng thường niên của Hội được coi là có uy tín vào hàng bậc nhất và phần nào phản ánh bộ mặt đời sống âm nhạc trong năm.

Có năm giải nhất và trên 60 giải nhì, ba, khuyến khích ở các thể loại. Trong khi hạng mục ca khúc thiếu nhi, giao hưởng với hợp xướng, hợp xướng, hòa tấu dân tộc, thính phòng đều không tìm ra tác phẩm để trao giải nhất thì hạng mục ca khúc tiếp tục "được mùa" với ba tác phẩm đoạt giải nhất: Dời đô ngàn năm (Nguyễn Tiến), Giấc mơ mùa lá (Trần Mạnh Hùng) và Dòng trăng lúng liếng (Ngô Quốc Tính). Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng còn đạt thêm giải nhất hạng mục giao hưởng với tác phẩm Lệ Chi Viên. Ở mảng sách biên soạn, tư liệu sưu tầm, giải nhất được trao cho Trương Đình Quang với tác phẩm Ca nhạc Bài Chòi, Ca nhạc kịch hát Bài Chòi.

Thí sinh Ngọc Ký trình bày ca khúc Dời đô ngàn năm
tại cuộc thi Sao Mai 2009

Đặc biệt, năm nay các "cây đa, cây đề” đã nhường sân cho những gương mặt mới, trẻ. Các tác giả được công chúng quen tên cũng mạnh dạn khai thác đề tài mới, phong cách đa dạng, phản ánh được hơi thở đời sống đương đại. Không chỉ người Hà Nội mà dù ở đâu, các nhạc sĩ đều thể hiện cảm xúc dành cho thủ đô sắp ngàn năm tuổi và hầu như thể loại nào cũng có những tác phẩm đoạt giải hướng về sự kiện trọng đại này.

Điều đáng nói, nếu như ca khúc nghệ thuật vốn khá hiếm hoi ở các năm trước thì năm nay, lại đạt chất lượng vượt trội. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Âm nhạc VN chia sẻ: "Ban Thanh nhạc đánh giá cao các tác phẩm romance (ca khúc nghệ thuật) đoạt giải lần này".

Mảng âm nhạc thiếu nhi khá xôm tụ. Tuy không có giải nhất nhưng có đến ba giải ba, ba giải khuyến khích và giải nhì trao cho ca cảnh Bạch Tuyết và 7 chú lùn của tác giả Lê Vinh Phúc (TP.HCM). Gắn bó với hoạt động ca hát thanh thiếu nhi hơn 20 năm nay và có công đào tạo nhiều giọng ca khá nổi tiếng như tam ca Áo Trắng, Như Quỳnh, Hiền Thục... ông còn là tác giả của nhiều ca khúc dành cho thiếu nhi như: Bé tí ti, Chủ nhật của bé, Xe đạp tuổi học trò, Thời gian em đi học...

Tác giả đoạt giải chủ yếu là người Hà Nội và TP.HCM. Đáng tiếc thể loại lý luận không có tác phẩm nào dự thi. Điều này cho thấy, công tác phê bình âm nhạc đang bị bỏ ngỏ.

Dù có nhiều tác phẩm đoạt giải nhưng việc đưa những tác phẩm này vào đời sống vẫn là nỗi trăn trở không chỉ của những người trong Hội Nhạc sĩ VN. Được biết, Hội nhạc sĩ VN sẽ tổ chức lễ trao giải và công diễn một số tác phẩm đoạt giải trước Tết Âm lịch. Tuy nhiên, không chờ đến khi tác phẩm đoạt giải hay được hội tổ chức công bố, bản thân những ca khúc hay đã được ca sĩ lựa chọn và nhất định sẽ có chỗ đứng trong lòng công chúng.

Cụ thể, Dời đô ngàn năm vừa được thí sinh Nguyễn Ngọc Ký thể hiện trong đêm chung kết xếp hạng Sao Mai 2009, và trước đó, ca khúc này gây được ấn tượng qua sự thể hiện của ca sĩ Mạnh Hùng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Giấc mơ mùa lá là bài hát chủ đề trong album cùng tên đang thu âm của "sao trẻ” dòng nhạc thính phòng Hồng Vy. Riêng Dòng trăng lúng liếng lại có nằm trong vở kịch hát Nàng nhũ hương viết về vị thủy tổ Quan họ, hứa hẹn sẽ là tác phẩm được nhiều người quan tâm... Đặc biệt, giao hưởng thơ (poem symphony) Lệ Chi Viên của Trần Mạnh Hùng đã trở thành một trong ba tác phẩm khí được Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN đưa vào album nhân kỷ niệm 50 năm thành lập nhà hát.

Chờ đợi "Vọng khúc ngàn năm" từ đất Thăng Long

PN - Vọng khúc ngàn năm là dự án phim ca nhạc dài bốn tập, giới thiệu 48 tác phẩm âm nhạc chọn lọc về vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Không phải là video clip nhạc, cũng không đơn thuần là phim tài liệu về âm nhạc - dự án "không dễ làm" này được giao cho đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy.

Ký hợp đồng từ tháng 6, đến tháng 11 bấm máy, thời điểm này mới ghi hình xong 12 tác phẩm nhạc không lời (do dàn nhạc Dân tộc thể hiện), đạo diễn Trần Văn Thủy kể: "Theo kế hoạch thì Tết Canh Dần phải xong phim. Nhưng với tiến độ hiện tại, thì khó có thể kịp".

Vào cuộc, đạo diễn Trần Văn Thủy mời thêm người bạn thân - đạo diễn Nguyễn Sĩ Chung, lập ê kíp thực hiện. Phần chọn tác phẩm đã có cố vấn Đặng Hoành Loan và các cộng sự trong giới nghiên cứu âm nhạc. Ba địa điểm được chọn làm trường quay chính của phim là Thiên đường Bảo Sơn, Bảo tàng Dân tộc học và Đền Gióng (làng Phù Đổng). Ngoài ba bối cảnh này, để bộ phim mới và lạ, đạo diễn Trần Văn Thủy cho biết, sau khi hoàn tất phần ghi hình nghệ sĩ và dàn nhạc biểu diễn, ông và các cộng sự sẽ cất công đi quay ngoại cảnh, lục tìm trong kho tư liệu của cá nhân và của Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương những hình ảnh tương đồng nhưng chưa được khai thác nhiều để ghép vào phim.

Là phim làm cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, 48 tác phẩm được chọn ngoài sự chuẩn mực về nghệ thuật còn phải khiến người xem, người nghe thấy được bóng dáng lịch sử và văn hóa Thăng Long, với chiều dài 1.000 năm. Việc chọn tác phẩm đã xong nhưng cơ cấu mỗi tập phim ra sao thì vẫn là vấn đề chưa được thống nhất. Theo đạo diễn Trần Văn Thủy, nếu một tập phim có tới 12 tác phẩm không lời sẽ gây cảm giác nặng nề, khiến người nghe khó "tiêu hóa". Nhưng nếu dựng xen kẽ giữa tác phẩm không lời và có lời thì phải cơ cấu ra sao để cả giới chuyên môn và khán giả bình dân đều chấp nhận được. Lời bình, cảm xúc của nghệ sĩ về tác phẩm sẽ được "xen" vào phần nhạc dạo. Đạo diễn Trần Văn Thủy tạm đặt tên cho dự án phim là Vọng khúc ngàn năm.

Trong số 12 tác phẩm nhạc không lời đã được ghi hình, bản nhạc Ông Gióng của nhạc sĩ Xuân Khoát và bản Tiếng vọng của một nhạc sĩ trẻ của Hà Nội được giới nghiên cứu âm nhạc đánh giá cao về tính chuẩn mực nghệ thuật cũng như sự hoành tráng của tác phẩm. Tuy nhiên, việc có làm tiếp hai tập cuối của bộ phim này hay không còn phải đợi chất lượng của hai tập đầu. Nếu không ưng, đạo diễn Trần Văn Thủy cho biết: "Sẽ chấm dứt dự án, dành cơ hội cho những người có khả năng hơn".

Từ hàng ghế khán giả: Tiếng cười phản cảm

PN - Bộ phim Hàn Quốc Gia đình là số 1 đang phát trên kênh HTV3 từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần (lúc 19g30) đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả. Nội dung phim gần gũi và vui nhộn.

Đây cũng là bộ phim được HTV lồng tiếng cười vào nhiều tình huống. Tiếng cười vang lên khiến người xem thấy như có người cùng xem và đồng cảm với mình.

Điều đáng tiếc là tiếng cười ấy nhiều lúc xuất hiện không đúng lúc. Những câu đối thoại bình thường, không có gì dí dỏm hay trong tình huống cô con dâu càu nhàu bà mẹ chồng, chẳng có gì vui, mà tiếng cười lại phát ra rả. Thậm chí khi ông bố của các nhân vật chính bị té ngã đau điếng - người xem giật thót mình lo cho ông cụ thì trong tivi lại phát ra tràng cười giòn tan, thật vô duyên! Mục đích của tiếng cười được lồng sẵn là để tăng hiệu ứng tình huống hài hước (giống phim hài nổi tiếng như Mr Bean). Nhưng để người xem có thể đồng cảm thì phải chọn đúng tình huống để lồng tiếng cười, đằng này...

Ngoài ra, phim này còn có một điểm khiến người xem bực mình vì đã Việt hóa phim Hàn một cách tự tiện. Đó là khi các nhân vật trong phim (DV Hàn, vai diễn Hàn, bối cảnh Hàn) hát thì cất lên những bài nhạc Việt 100% như: Hai con thằn lằn con, Cháu lên ba và nhạc phim Dù gió có thổi (một bộ phim VN đang chiếu trên kênh HTV3)... làm người xem khó chịu.

Khi xem phim, khán giả không chỉ quan tâm đến nội dung mà còn muốn tìm hiểu văn hóa của quốc gia đó. Và âm nhạc - dù là những bài hát trong phim, cũng là một phần quan trọng thể hiện bản sắc văn hóa của một đất nước. Sao có thể thay đổi tùy tiện như thế? Thử hỏi, nếu bộ phim Cánh đồng hoang của chúng ta được chiếu ở nước ngoài và trong đó những câu hò ngọt ngào được hát bằng tiếng Nhật, tiếng Hàn... thì chúng ta có buồn không?

Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch công bố 10 sự kiện của năm 2009

Trong khuôn khổ hai ngày làm việc (27 và 28/12) của hội nghị triển khai công tác Văn hoá - Thể thao - Du lịch năm 2010 tại Đà Nẵng, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch đã chính thức công bố 10 cụm sự kiện tiêu biểu nhất trong năm.

1. Quốc hội khoá XII thông qua ba luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hoá, Luật sở hữu trí tuệ và Luật điện ảnh.

* Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá đến 2020, xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với 10 di tích lịch sử - văn hoá.

* Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch công khai Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ với 179 thủ tục.

2. UNESCO đã ghi danh Dân ca quan họ Bắc Ninh vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; ghi danh nghệ thuật Hát ca trù vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Tổ chức này cũng đã ra Nghị quyết tham gia Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hát ca trù được UNESCO đưa vào danh sách
di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp

3. Các hoạt động văn hoá đối ngoại tiêu biểu trong Năm ngoại giao văn hoá: tuần Việt Nam tại Anh, Lào, Nga, Nam Phi, Venezuela, Braxin; các hoạt động nghệ thuật của Việt Nam tại Trung Quốc, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Italia; chương trình Gặp gỡ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ); thành lập Dàn nhạc Việt Nam và tổ chức biểu diễn tại Lào; Tuần văn hoá Hàn Quốc và Tuần văn hoá Campuchia tại Việt Nam; Dàn nhạc giao hưởng New York Philharmonic biểu diễn tại Việt Nam.

4. Các hoạt động nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn: Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn; Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phú; Triển lãm 40 năm ngành Văn hoá - Thể thao - Du lịch thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tuần Văn hoá - Du lịch Quảng Nam hướng đến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn

5. Các hoạt động văn hoá truyền thống trong tiến trình giao lưu và hội nhập văn hóa thế giới: Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam; Festival Cồng, chiêng quốc tế; Cuộc thi Hoa hậu Quý bà đẹp 2009; Festival Lúa gạo tại Hậu Giang và Những ngày Du lịch, Văn hoá Mê Kông - Nhật Bản tại Cần Thơ.

Hoạt động tại Festival lúa gạo tại Hậu Giang

6. Phim Đừng đốt đoạt giả đặc biệt do khán giả bình chọn tại Liên hoan phim Quốc tế Fukuoka (Nhật Bản); Việt Nam đoạt 4 giải nhất trong 7 giải thưởng của Cuộc thi Âm nhạc quốc tế tổ chức tại Indonesia.

Poster của bộ phim Đừng đốt

7. Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 3 (AIG3) tại Việt Nam để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ cả nước và bạn bè quốc tế. Đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ 2 trong tổng số 43 quốc gia tham dự.

Đại hội thể thao châu Á trong nhà tổ chức tại Việt Nam.

8. Đoàn thể thao Việt Nam xuất sắc xếp thứ 2 tại Seagame 25 với 83 Huy chương vàng, 75 Huy chương bạc và 57 Huy chương đồng.

Đội tuyển bóng đá nữ của Việt Nam tại Seagame lần thứ 25

9. Diễn đàn Du lịch ASEAN 2009 và Chương trình kích cầu du lịch “Ấn tượng Việt Nam”

10. Vịnh Hạ Long lọt vào vòng chung kết bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới; Vịnh Lăng Cô (Huế) được công nhận và xếp hạng vịnh đẹp nhất thế giới.

Vịnh Lăng Cô (Huế) được xếp hạng vịnh đẹp nhất thế giới.