Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Sám hối để hưởng trọn ơn lành

PN - "Chỉ khi nào mỗi giáo dân thực sự sám hối để nhận thấy thiếu sót của mình, mới xứng đáng hưởng trọn ơn lành trong mùa Giáng sinh. Hy vọng khi Giáo hội đặt vấn đề làm hòa và đối thoại trong khiêm tốn với mọi thành phần dân tộc, tương lai sẽ tốt đẹp hơn" (LM. Phan Khắc Từ).

Giáo dân cầu nguyện trước hang đá Chúa hài đồng tại giáo xứ
Vườn Xoài, Q3, TP. HCM

Với người công giáo, Giáng sinh năm nay rất đặc biệt với nhiều sự kiện: Khai mạc năm thánh 2010, kỷ niệm 350 năm thiết lập hai giáo phận Tông Tòa đầu tiên tại Việt Nam (Đàng Trong và Đàng Ngoài), 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Trong dịp đặc biệt này, Đức Giáo hoàng Benedict XVI, trong Sứ điệp gửi tới giáo dân Việt Nam, đã nhấn mạnh: "Năm Thánh là một thời điểm chứa chan ân sủng, thuận lợi cho việc hòa giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại. Trong ý hướng đó, chúng ta nên nhìn nhận những sai lỗi chúng ta đã phạm trong quá khứ và hiện tại, đối với anh em đồng đạo và anh em đồng bào, và xin mọi người tha thứ".

Với tinh thần đó, giáo dân Việt Nam đang hân hoan đón Sinh nhật Chúa trong sám hối để được hưởng trọn ơn lành.

* Linh mục Phan Khắc Từ (Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo TP.HCM, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Đoàn kết công giáo VN): Người công giáo phải cố gắng "vượt lên trên cái bình thường"

- Trong lời sám hối và hòa giải tại đêm khai mạc Năm Thánh tại tỉnh Hà Nam vừa qua, đại diện Giáo hội công giáo VN đã thể hiện ba ý chính: xin lỗi Chúa, xin lỗi nhau, xin lỗi đồng bào. Tôi cho rằng, hành động xin lỗi rất chính đáng. Có lúc, vì do vô tình hay cố ý, giáo dân đã thiếu sót trong nghĩa vụ yêu thương. Giáo hội VN, mỗi giáo dân VN muốn nói lời xin lỗi tất cả mọi người, không phân biệt chính kiến, vị trí và tín ngưỡng. Tại sao phải xin lỗi? Bởi Chúa dạy, anh em hãy yêu thương nhau như yêu chính bản thân mình, và phải yêu cả kẻ thù. Nhưng thực tế, bản tính yếu hèn của mỗi người, cái tôi quá lớn của mỗi người đôi khi là lực cản để thực hiện điều đó. Giáo dân cần "vượt lên trên cái yếu hèn bình thường" để mỗi ngày tập cách yêu thương chính những người không yêu thương mình.

* Nữ tu sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Trung tâm Phát Huy Bình Triệu, TP.HCM): "Dạy trẻ luôn biết nói xin lỗi, cảm ơn..."

Nữ tu sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh chăm sóc trẻ tại Trung tâm Phát Huy Bình Triệu

- Mỗi người đều có giới hạn riêng của mình, chắc chắn không tránh được khuyết điểm, lỗi lầm. Biết nói lời xin lỗi chân thành là cách sám hối có giá trị nhất. Đặc biệt, Giáng sinh là dịp để mỗi giáo dân suy nghĩ về một năm sống đạo vừa qua của mình. Và, tất nhiên, biết nhìn nhận thiếu sót để quyết tâm sửa đổi là việc mà mỗi người cần làm một cách nghiêm túc.

Ở Trung tâm Phát Huy Bình Triệu, chúng tôi có 27 em thiếu nhi thuộc mái ấm và 300 em thuộc lớp học tình thương. Không phân biệt tôn giáo, những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như cha mẹ đi bán vé số, đánh giày, bán dạo... đã được Trung tâm nhận nuôi dạy miễn phí. Noel năm nay, các em được tặng quà, được xem văn nghệ và viết thư cho ông già Noel. Những lá thư cảm động được đọc lên cho cả lớp cùng chia sẻ.

Trong các bài học mà chúng tôi dạy, bài học quan trọng nhất vẫn là dạy trẻ luôn biết nói lời xin lỗi, cảm ơn - điều mà trẻ cần được làm quen từ rất sớm.

* Giáo dân, thạc sĩ Đặng Quốc Minh Dương (giảng viên Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM): "Hướng đến một thế giới đại đồng..."

- Với mỗi giáo dân, việc sám hối được ý thức và thực hiện một cách liên tục. Đó là cách xem mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm mình đã phạm những lỗi gì với anh em. Trong dịp hưởng ơn lành Giáng sinh, việc sám hối và nói lời xin lỗi lại càng có ý nghĩa.

Thực tế, không dễ để thốt ra lời xin lỗi nếu không có sự trung thực với chính bản thân mình và can đảm để vượt qua cái tôi. Khó hơn nữa là làm sao để yêu thương "kẻ mà mình vốn không ưa". Để làm được điều rất khó này, mỗi người cần rèn luyện tính rộng lượng, biết thứ tha mỗi ngày. Thật ý nghĩa khi năm nay, Giáo hội mời gọi mỗi người nhìn lại để chỉnh sửa, thay đổi bản thân một cách tận tâm. Cầu mong mỗi mùa Giáng sinh đến, con người lại yêu thương nhau hơn để hướng đến một thế giới đại đồng.

* Giáo dân Trương Thị Bích Chi (ngụ tại 2/12, Quốc lộ 13, KP.3, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức): "Bỏ qua những ghen ghét vụn vặn thường ngày..."

Hai mẹ con giáo dân Trương Thị Bích Chi chăm chút cho hang đá trước nhà

- Với người Công giáo, Giáng sinh được xem như "Tết". Lúc đó, người ta phấn khởi, hoan hỉ, nghĩ về bản thân và nghĩ về nhau nhiều hơn. Với tâm trạng đó, mọi người cùng suy xét xem một năm sống đạo của bản thân như thế nào, có làm phiền muộn ai không? Có còn thù oán ai không? Đây là dịp bỏ qua tất cả để làm tươi mới tâm hồn mình.

Thực tế, cũng chẳng cần gì to tát, chỉ đơn giản là biết "xí xóa", đồng thời biết xin lỗi nhau về những ghen ghét vụn vặt trong đời thường. Những hành động tưởng chừng nhỏ nhặt như thế cũng đủ làm lòng vui lên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét