Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Cần sớm xây dựng luật về giáo dục đại học

Từ các kết quả giám sát, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội sớm xây dựng Luật giáo dục đại học để thống nhất và luật hóa các vấn đề về quản lý hệ thống giáo dục đại học.

Chiều 16/4, tại phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận “Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học”.

Đầu tư ở mức cao

Theo GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Phó Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong những năm qua giáo dục đại học nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước được bổ sung, đổi mới, góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Nhà nước về giáo dục đại học.

“Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, Nhà nước thực hiện ưu tiên đầu tư cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng ở mức cao (20% tổng chi ngân sách nhà nước). Nhờ đó, năng lực đào tạo và mạng lưới các trường ĐH, CĐ phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, cấp học và ngành học”, GS. Đào Trọng Thi cho biết.

Đối với việc đảm bảo chất lượng đào tạo, Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện; công tác quản lý chất lượng đào tạo có bước đổi mới; nguồn nhân lực được đào tạo từ các trường ĐH, CĐ đã góp phần quan trọng thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đã thiết thực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Hạn chế, yếu kém của giáo dục đại học

Đề cập đến những hạn chế, bất cập công tác giáo dục đại học, GS Đào Trọng Thi thẳng thắn phân tích những yếu kém cần khắc phục. Đó là, hệ thống văn bản quy phạm chậm được ban hành, thiếu đồng bộ, thiếu khả thi và chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn chế, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, CNH-HĐH đất nước.

“Quy mô đào tạo vượt xa năng lực đào tạo, nội dung, phương pháp đào tạo và quản lý giáo dục nhìn chung còn lạc hậu. Quá trình đào tạo chưa gắn với thị trường lao động và các đơn vị sử dụng lao động”, GS. Đào Trọng Thi nêu rõ.

Phân tích các nguyên nhân của hạn chế, bất cập trên, Đoàn giám sát cho rằng, có nguyên nhân khách quan từ trình độ phát triển kinh tế-xã hội thấp của nước ta. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là vẫn là nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Một số chính sách giáo dục còn duy ý chí, chủ quan, chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội.

Cần sớm xây dựng Luật giáo dục đại học

Từ các kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội sớm cho xây dựng Luật giáo dục đại học để thống nhất và luật hóa các vấn đề về quản lý hệ thống giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Quốc hội cần cho chủ trương để sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong các đạo luật khác có liên quan đến giáo dục đại học.

“Trước mắt, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về giáo dục đại học sau khi giám sát để tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc về cơ chế nhằm đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn hiện nay”, Đoàn giám sát nêu quan điểm.

Trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp của Thường vụ Quốc hội và Đoàn giám sát, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, công tác quản lý và đánh giá chất lượng đại học của chúng ta vẫn còn lạc hậu so với các nước cũng như yêu cầu thực tiễn. Vì thế, ngành giáo dục đào tạo đang triển khai việc các trường đánh giá kết quả đầu ra, chuẩn hóa đầu vào và đổi mới công tác quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, gắn việc đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động.

“Kết quả giám sát và quá trình khảo sát thực tế của Đoàn giám sát đã có những tác động tích cực đối với giáo dục đại học, được các cơ quan quản lý, các trường đại học và dư luận xã hội đánh giá cao. Đây cũng là cơ sở để ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp thu và nỗ lực hơn nữa đáp ứng sự mong đợi của nhân dân”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận.

Trên cơ sở Báo cáo giám sát, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận, Đoàn giám sát sẽ cùng với các cơ quan hoàn chỉnh Báo cáo giám sát để trình Quốc hội tại Kỳ họp tới. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có báo cáo với Quốc hội về vấn đề này nhằm cung cấp cho đại biểu những thông tin, đánh giá một cách cập nhật, đầy đủ hơn.

Lê Sơn

Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, thành có trường ĐH (đạt tỷ lệ 63%); có 60/63 tỉnh thành có trường CĐ (đạt tỷ lệ 95%) và 62/63 tỉnh thành có ít nhất một trường ĐH hoặc CĐ, đạt tỷ lệ 98%. Riêng hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có 150 trường ĐH, CĐ, chiếm 40% của cả nước.

(Nguồn: Báo cáo của Chính phủ về thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét