Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Những bảo vật của vua Hàm Nghi

Hai thanh kiếm của vua Hàm Nghi - Ảnh: TNO
Những bảo vật của vua Hàm Nghi để lại trên đường xuất bôn khởi chiếu Cần Vương được người dân xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) gìn giữ hơn 100 năm nay.

Giấc mộng trên đường bôn tẩu

Sử sách chép rằng vào đêm 23 tháng 5 Ất Dậu (tức ngày 5.7.1885), kinh thành Huế thất thủ. Vua Hàm Nghi (lúc đó mới 14 tuổi) cùng đoàn xa giá chạy ra Quảng Trị rồi vượt qua Lào, theo đường Trìm Trẹo tìm đến vùng đất Hương Khê. Tại đây, vua đã chọn thành Sơn Phòng làm căn cứ chống Pháp. Lãnh binh người Hà Tĩnh là Phan Mỹ, Lê Ninh liền đưa 500 quân đến canh phòng, bảo vệ nhà vua. Chí sĩ Phan Đình Phùng được vua mời lên yết kiến và giao nhiệm vụ. Vua Hàm Nghi đã ban chiếu Cần Vương lần hai tại đây để tố cáo mưu đồ xâm lược của thực dân Pháp, thể hiện rõ thái độ và ý chí quyết tâm kêu gọi nhân dân đứng dậy chống giặc.

Tương truyền đêm 20.9.1885, vua nằm ngủ tại thành Sơn Phòng thì thấy một nữ thần đến báo mộng: “Hãy nhanh chóng rời khỏi nơi này, bọn bạch quỷ (giặc Pháp) đang đến rất gần, cần phải định liệu ngay”. Tỉnh dậy, vua hỏi người dân địa phương, họ nói gần đó có đền Trầm Lâm thờ một nữ thần. Vua liền gọi cận thần đến thông báo giấc mộng và giao cho Tôn Thất Thuyết chuẩn bị các lễ vật đến ngôi đền tạ lễ. Năm ngày sau, vua đến đền Trầm Lâm, ban sắc phong cho nữ thần kèm theo những phẩm vật quý giá, gồm: vi bố (màn bằng gấm có gắn 35 lục lạc bằng đồng dành cho vua); 8 bộ áo mũ triều thần; 20 chiếc cờ lộng, tàn quạt; 2 con voi bằng vàng (một con đúc bằng 17 chỉ và một con 27 chỉ vàng ta); một con nghê và một con voi bằng đồng; 2 kiếm lệnh lưỡi thép cán gỗ chạm hình rồng phượng, sơn son thiếp vàng.

Hai con voi bằng vàng, con voi
và con nghê bằng đồng - Ảnh:
TNO

Hoàng bào của vua Hàm Nghi -
Ảnh: TNO

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, những bảo vật này còn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Hai con voi bằng vàng, con voi và con nghê bằng đồng sắc màu còn tươi mới. Hai lưỡi kiếm tuy hơi xỉn màu nhưng cán gỗ vẫn giữ nét sơn son. Tám bộ áo mũ triều thần, nhất là hai chiếc hoàng bào còn y nguyên những đường thêu rồng bay phượng múa.

Gìn giữ muôn đời

Bên trong một căn nhà cấp bốn nằm bên rìa làng, bàn thờ vua Hàm Nghi được lập trang trọng ở ngay gian chính. Trước linh ảnh đức vua là một bát hương cắm đầy chân nhang. Những bảo vật quý báu của vua được đựng trong két sắt và hai cái tủ để ngay cạnh bàn thờ. Ngoài sắc phong của vua Hàm Nghi, còn có 37 đạo sắc khác của các vua triều Nguyễn phong cho các vị thần ở đền Trầm Lâm và đền Công Đồng ở cạnh thành Sơn Phòng. Chủ nhân căn nhà là cụ Lê Khắc Tùng, mà dân địa phương gọi là cụ đạo Tùng. Cụ Tùng là người thứ 14 được dân làng giao nhiệm vụ gìn giữ những bảo vật của vua ban. “Bảo vật không chỉ của riêng xã Phú Gia này mà là của giang sơn. Chúng tôi tự hào vì mình cũng góp công gìn giữ và bảo vệ những bảo vật quý cho đất nước”, cụ Tùng bảo.

"Các bảo vật của vua Hàm Nghi cũng đã từng được trưng bày lần đầu tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 7.2007. Sau đó, chúng tôi lại trả về cho người dân địa phương bảo quản, gìn giữ vì với họ những bảo vật này khó có thể tách rời làng."

Ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh

Việc cử người thờ phụng vua, gìn giữ bảo vật đã thành lệ từ lâu. Mỗi năm, làng chọn ra một người. Người được chọn phải có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm và tinh thần hy sinh với cộng đồng. Cứ mỗi độ xuân về, trước khi chuyển bảo vật đến nhà cụ đạo mới (do dân đề cử), những bô lão trong làng đến làm lễ xin keo (gieo quẻ) để xin thánh ý vua. Nếu không được đồng ý thì bảo vật tiếp tục được lưu giữ lại nhà cụ đạo cũ. Lễ rước linh ảnh vua và bảo vật được dân làng tổ chức trang nghiêm, thành kính.

Từ nhiều đời nay, ở làng này ai được chọn làm cụ đạo là niềm tự hào, vinh dự lớn. Cụ Trần Văn Nhung, 82 tuổi, người từng giữ gìn bảo vật 31 tháng, vẫn còn rất tự hào kể về thời gian cụ được giao trọng trách giữ bảo vật. Căn nhà cụ lợp tranh, vách gỗ, sợ kẻ gian dòm ngó trộm mất bảo vật, mỗi ngày cụ phải nhiều lần thay đổi địa điểm cất giấu. Đêm đến, hễ nghe tiếng động lạ là cụ trở dậy, đề phòng có phải kẻ gian rình mò.

Trong làng, người có công gìn giữ bảo vật lâu nhất là cụ Dương với 16 năm. Cụ Dương từng phải khoét cột nhà cất giấu bảo vật đề phòng kẻ gian lấy trộm. Cụ mất, con cái nghèo, mới đây, một người hảo tâm đã góp tiền cùng dân làng xây cho cụ nấm mộ. Cụ Nhung kể: thời đói kém, nhiều người ngoài Bắc từng vào gạ gẫm đổi mua bảo vật nhưng bị dân làng đuổi đi. Ở làng hiện còn lưu truyền câu chuyện huyền bí liên quan đến bảo vật. Thời chống Pháp, có một anh trong làng vì nghèo đói, thấy bảo vật quý nên nổi lòng tham lấy trộm một con voi bằng vàng. Anh ta về nói với vợ rồi băng rừng sang Lào đổi lấy 9 con trâu. Trên đường lùa trâu về, bất ngờ anh ta bị một con trâu lồng lên húc chết. Người vợ ở nhà cũng tự nhiên nổi điên giết chết đứa con của mình. Dân làng đến thăm hỏi, biết chuyện thì sợ hãi, cử người sang Lào lần tìm đổi lại được bảo vật mang về. Những câu chuyện pha chút huyền bí liên quan đến bảo vật của vua Hàm Nghi, người dân ở Phú Gia ai cũng tỏ. Họ truyền tai nhau khiến kẻ gian cũng sợ không dám màng đến.

Dấu tích còn lại hiện nay của thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm thờ Đức Thánh mẫu và đền Công Đồng vẫn còn được lưu giữ tại Phú Gia. Thành Sơn Phòng vốn được đắp bằng đất, hình vuông mỗi cạnh hơn hai trăm mét, cao hơn 2 mét, nằm ở vị trí hiểm yếu. Phía ngoài thành có hào sâu để ngăn địch, có đường thoát hiểm ra sông Tiêm vào rừng. Trong thành có điện của vua Hàm Nghi và các đại thần như Tôn Thất Thuyết, có hồ voi tắm, cột cờ. Trải qua hơn một thế kỷ với nhiều biến thiên, những công trình này hiện chỉ còn lại dấu vết. Năm 2001, quần thể di tích thành Sơn Phòng (gồm cả đền Trầm Lâm, đền Công Đồng) được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Hai ngôi đền nằm gần thành, thời gian đã làm cho hoang phế, hiện đang được người dân chung tay tôn tạo, giữ gìn.

Chống hát "nhép": Thuốc chưa đủ liều

PN - Vấn nạn hát "nhép" trong hoạt động biểu diễn một lần nữa lại "nóng" lên khi mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch) có công văn gửi các sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh yêu cầu tăng cường kiểm tra, nghiêm khắc xử lý hành vi dùng giọng hát trong thu băng, đĩa để thay thế giọng hát thật của người biểu diễn (thường được gọi là "hát nhép").

Tuy nhiên, yêu cầu này liệu có đủ "sức nặng" hạn chế vấn nạn hát nhép, vốn đã trở thành chuyện: biết rồi, khổ lắm nói mãi?

Hát nhép là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động biểu diễn đã được quy định trong nhiều văn bản từ Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh văn hóa công cộng đến Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đều quy định rõ "nghiêm cấm dùng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật của người biểu diễn". Hình thức chế tài cho cá nhân, tổ chức vi phạm từ hoạt động này cũng đã có. Theo NĐ56/CP mức xử phạt cho việc hát nhép từ 2-5 triệu đồng.

Để dẹp vấn nạn hát "nhép" cần có nỗ lực từ nhiều phía - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tuy nhiên, quy định là một chuyện, tình trạng ca sĩ, nghệ sĩ hát nhép trong các chương trình ca nhạc, trong các sân khấu lớn vẫn ngày càng phổ biến. Trên mặt báo, chuyện hát nhép đã được phản ánh không ít. Mới đây là vụ nghi vấn hát nhép trong chương trình Hợp xướng Lục Vân Tiên với dàn xướng ca trên 100 người biểu diễn ở Nhà hát TP.HCM vào đầu tháng 9/2009, bị coi là có một số đoạn trình diễn "nhép". Cũng trong thời gian này, nhóm nhạc Credo mới qua ba buổi biểu diễn ra mắt tại Nhạc viện TP.HCM cũng đã "lùm xùm" chuyện nghi ngờ có hát nhép một số bài hát trong chương trình. Song thực hư chuyện có hát nhép hay không tại hai chương trình trên vẫn chưa tỏ, vì đơn vị quản lý văn hóa không đưa ra kết luận gì.

Đề cập đến vấn nạn hát nhép, ông Võ Trọng Nam - Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật - Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM cho biết: "Không phải đợi đến khi có công văn của Cục vừa rồi chúng tôi mới quan tâm đến chuyện hát nhép trong hoạt động biểu diễn. Thời gian qua Sở đã làm nhiều về vấn đề này rồi. Thực tế là đã có một số trường hợp ca sĩ bị cảnh cáo (cách đây bốn năm, Sở đã cảnh cáo hai ca sĩ T.T.L. và Q.H. hát nhép trong một chương trình ca nhạc xuân - PV). Một số trường hợp, khi phúc khảo, phát hiện ca sĩ hát nhép, chúng tôi đã yêu cầu không cho ca sĩ này biểu diễn trong chương trình chính".

Tuy nhiên, cái khó hiện nay đối với cơ quan quản lý nhà nước là ở khâu hậu kiểm. "Ở các buổi biểu diễn phúc khảo, thường các ca sĩ, nghệ sĩ họ hát thật. Nhưng đến khi ra sân khấu họ "hát nhép" thì đành chịu. Với địa bàn TP.HCM hiện nay có trên 100 tụ điểm biểu diễn, chưa kể các đoàn địa phương khác hàng ngày, hàng tuần đến giao lưu biểu diễn... trong khi đó, lực lượng làm công tác quản lý nhà nước như chúng tôi lại "mỏng" vì vậy khó có thể giám sát hết được" - ông Trọng Nam thừa nhận.

Để giải quyết tận gốc vấn nạn "hát nhép", thiết nghĩ một mình cơ quan quản lý nhà nước khó kham nổi mà phải có sự hợp lực từ nhiều phía, nhất là vai trò của các bầu show, từ đài truyền hình, các tụ điểm tổ chức và ý thức nghề nghiệp của người biểu diễn...

Đà Lạt - rực rỡ không gian hoa

PN - Festival hoa Đà Lạt sẽ diễn ra trong tuần đầu tiên của năm mới 2010 (từ 1 - 4/1). Đây là festival hoa lần thứ ba của Đà Lạt, sau festival hoa năm 2005 và 2007.

Một không gian hoa rực rỡ sắc màu sẽ bao quanh Hồ Xuân Hương, công viên Xuân Hương, đường Hồ Tùng Mậu, đường Trần Quốc Toản, phố Lê Đại Hành, khu biệt thự Trần Hưng Đạo. Trong ba ngày từ 2 - 4/1 sẽ có những phiên chợ hoa trên đường Nguyễn Thái Học với trên 50 gian hàng hoa. Tại đây sẽ diễn ra những giao dịch, hợp đồng hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa. Với tinh thần xã hội hóa, festival hoa có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tại địa phương... Trên 11 ngàn mét vuông bờ Hồ Xuân Hương trở thành tấm thảm hoa rực rỡ sắc màu của rất nhiều loài hoa Đà Lạt.

Đến với festival hoa Đà Lạt năm nay, du khách không chỉ được thỏa sức ngắm hoa mà còn có thể tham gia các tour du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái, thăm các làng hoa truyền thống như làng hoa Hà Đông (làng hoa đầu tiên của Đà Lạt), Thái Phiên, Vạn Thành, An Sơn, Xuân Trường. Du khách cũng có thể tham gia Hội thi cắm hoa, ngày hội xe đạp đôi quanh Hồ Xuân Hương, ngày hội leo núi chinh phục đỉnh Lang Bian, đêm hội tình yêu tại khu du lịch thung lũng Tình yêu, đêm hội rượu vang và dạ vũ đường phố...

Đà Lạt khởi động festival hoa bằng hàng loạt sự kiện khá ấn tượng như khai trương Nhà ga hàng không quốc tế Liên Khương, hoàn thành việc trùng tu và đưa vào sử dụng khu biệt thự cổ đường Trần Hưng Đạo. Cũng trong dịp này, Trung tâm lưu trữ quốc gia IV tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho tài liệu mộc bản triều Nguyễn (hiện đang lưu giữ tại Đà Lạt).

Giải thưởng Âm nhạc 2009: Ca khúc "được mùa"

PN - Hội Nhạc sĩ VN vừa công bố giải thưởng Âm nhạc năm 2009 ở ba thể loại: thanh nhạc, khí nhạc và lý luận. Giải thưởng thường niên của Hội được coi là có uy tín vào hàng bậc nhất và phần nào phản ánh bộ mặt đời sống âm nhạc trong năm.

Có năm giải nhất và trên 60 giải nhì, ba, khuyến khích ở các thể loại. Trong khi hạng mục ca khúc thiếu nhi, giao hưởng với hợp xướng, hợp xướng, hòa tấu dân tộc, thính phòng đều không tìm ra tác phẩm để trao giải nhất thì hạng mục ca khúc tiếp tục "được mùa" với ba tác phẩm đoạt giải nhất: Dời đô ngàn năm (Nguyễn Tiến), Giấc mơ mùa lá (Trần Mạnh Hùng) và Dòng trăng lúng liếng (Ngô Quốc Tính). Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng còn đạt thêm giải nhất hạng mục giao hưởng với tác phẩm Lệ Chi Viên. Ở mảng sách biên soạn, tư liệu sưu tầm, giải nhất được trao cho Trương Đình Quang với tác phẩm Ca nhạc Bài Chòi, Ca nhạc kịch hát Bài Chòi.

Thí sinh Ngọc Ký trình bày ca khúc Dời đô ngàn năm
tại cuộc thi Sao Mai 2009

Đặc biệt, năm nay các "cây đa, cây đề” đã nhường sân cho những gương mặt mới, trẻ. Các tác giả được công chúng quen tên cũng mạnh dạn khai thác đề tài mới, phong cách đa dạng, phản ánh được hơi thở đời sống đương đại. Không chỉ người Hà Nội mà dù ở đâu, các nhạc sĩ đều thể hiện cảm xúc dành cho thủ đô sắp ngàn năm tuổi và hầu như thể loại nào cũng có những tác phẩm đoạt giải hướng về sự kiện trọng đại này.

Điều đáng nói, nếu như ca khúc nghệ thuật vốn khá hiếm hoi ở các năm trước thì năm nay, lại đạt chất lượng vượt trội. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Âm nhạc VN chia sẻ: "Ban Thanh nhạc đánh giá cao các tác phẩm romance (ca khúc nghệ thuật) đoạt giải lần này".

Mảng âm nhạc thiếu nhi khá xôm tụ. Tuy không có giải nhất nhưng có đến ba giải ba, ba giải khuyến khích và giải nhì trao cho ca cảnh Bạch Tuyết và 7 chú lùn của tác giả Lê Vinh Phúc (TP.HCM). Gắn bó với hoạt động ca hát thanh thiếu nhi hơn 20 năm nay và có công đào tạo nhiều giọng ca khá nổi tiếng như tam ca Áo Trắng, Như Quỳnh, Hiền Thục... ông còn là tác giả của nhiều ca khúc dành cho thiếu nhi như: Bé tí ti, Chủ nhật của bé, Xe đạp tuổi học trò, Thời gian em đi học...

Tác giả đoạt giải chủ yếu là người Hà Nội và TP.HCM. Đáng tiếc thể loại lý luận không có tác phẩm nào dự thi. Điều này cho thấy, công tác phê bình âm nhạc đang bị bỏ ngỏ.

Dù có nhiều tác phẩm đoạt giải nhưng việc đưa những tác phẩm này vào đời sống vẫn là nỗi trăn trở không chỉ của những người trong Hội Nhạc sĩ VN. Được biết, Hội nhạc sĩ VN sẽ tổ chức lễ trao giải và công diễn một số tác phẩm đoạt giải trước Tết Âm lịch. Tuy nhiên, không chờ đến khi tác phẩm đoạt giải hay được hội tổ chức công bố, bản thân những ca khúc hay đã được ca sĩ lựa chọn và nhất định sẽ có chỗ đứng trong lòng công chúng.

Cụ thể, Dời đô ngàn năm vừa được thí sinh Nguyễn Ngọc Ký thể hiện trong đêm chung kết xếp hạng Sao Mai 2009, và trước đó, ca khúc này gây được ấn tượng qua sự thể hiện của ca sĩ Mạnh Hùng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Giấc mơ mùa lá là bài hát chủ đề trong album cùng tên đang thu âm của "sao trẻ” dòng nhạc thính phòng Hồng Vy. Riêng Dòng trăng lúng liếng lại có nằm trong vở kịch hát Nàng nhũ hương viết về vị thủy tổ Quan họ, hứa hẹn sẽ là tác phẩm được nhiều người quan tâm... Đặc biệt, giao hưởng thơ (poem symphony) Lệ Chi Viên của Trần Mạnh Hùng đã trở thành một trong ba tác phẩm khí được Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN đưa vào album nhân kỷ niệm 50 năm thành lập nhà hát.

Chờ đợi "Vọng khúc ngàn năm" từ đất Thăng Long

PN - Vọng khúc ngàn năm là dự án phim ca nhạc dài bốn tập, giới thiệu 48 tác phẩm âm nhạc chọn lọc về vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Không phải là video clip nhạc, cũng không đơn thuần là phim tài liệu về âm nhạc - dự án "không dễ làm" này được giao cho đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy.

Ký hợp đồng từ tháng 6, đến tháng 11 bấm máy, thời điểm này mới ghi hình xong 12 tác phẩm nhạc không lời (do dàn nhạc Dân tộc thể hiện), đạo diễn Trần Văn Thủy kể: "Theo kế hoạch thì Tết Canh Dần phải xong phim. Nhưng với tiến độ hiện tại, thì khó có thể kịp".

Vào cuộc, đạo diễn Trần Văn Thủy mời thêm người bạn thân - đạo diễn Nguyễn Sĩ Chung, lập ê kíp thực hiện. Phần chọn tác phẩm đã có cố vấn Đặng Hoành Loan và các cộng sự trong giới nghiên cứu âm nhạc. Ba địa điểm được chọn làm trường quay chính của phim là Thiên đường Bảo Sơn, Bảo tàng Dân tộc học và Đền Gióng (làng Phù Đổng). Ngoài ba bối cảnh này, để bộ phim mới và lạ, đạo diễn Trần Văn Thủy cho biết, sau khi hoàn tất phần ghi hình nghệ sĩ và dàn nhạc biểu diễn, ông và các cộng sự sẽ cất công đi quay ngoại cảnh, lục tìm trong kho tư liệu của cá nhân và của Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương những hình ảnh tương đồng nhưng chưa được khai thác nhiều để ghép vào phim.

Là phim làm cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, 48 tác phẩm được chọn ngoài sự chuẩn mực về nghệ thuật còn phải khiến người xem, người nghe thấy được bóng dáng lịch sử và văn hóa Thăng Long, với chiều dài 1.000 năm. Việc chọn tác phẩm đã xong nhưng cơ cấu mỗi tập phim ra sao thì vẫn là vấn đề chưa được thống nhất. Theo đạo diễn Trần Văn Thủy, nếu một tập phim có tới 12 tác phẩm không lời sẽ gây cảm giác nặng nề, khiến người nghe khó "tiêu hóa". Nhưng nếu dựng xen kẽ giữa tác phẩm không lời và có lời thì phải cơ cấu ra sao để cả giới chuyên môn và khán giả bình dân đều chấp nhận được. Lời bình, cảm xúc của nghệ sĩ về tác phẩm sẽ được "xen" vào phần nhạc dạo. Đạo diễn Trần Văn Thủy tạm đặt tên cho dự án phim là Vọng khúc ngàn năm.

Trong số 12 tác phẩm nhạc không lời đã được ghi hình, bản nhạc Ông Gióng của nhạc sĩ Xuân Khoát và bản Tiếng vọng của một nhạc sĩ trẻ của Hà Nội được giới nghiên cứu âm nhạc đánh giá cao về tính chuẩn mực nghệ thuật cũng như sự hoành tráng của tác phẩm. Tuy nhiên, việc có làm tiếp hai tập cuối của bộ phim này hay không còn phải đợi chất lượng của hai tập đầu. Nếu không ưng, đạo diễn Trần Văn Thủy cho biết: "Sẽ chấm dứt dự án, dành cơ hội cho những người có khả năng hơn".

Từ hàng ghế khán giả: Tiếng cười phản cảm

PN - Bộ phim Hàn Quốc Gia đình là số 1 đang phát trên kênh HTV3 từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần (lúc 19g30) đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả. Nội dung phim gần gũi và vui nhộn.

Đây cũng là bộ phim được HTV lồng tiếng cười vào nhiều tình huống. Tiếng cười vang lên khiến người xem thấy như có người cùng xem và đồng cảm với mình.

Điều đáng tiếc là tiếng cười ấy nhiều lúc xuất hiện không đúng lúc. Những câu đối thoại bình thường, không có gì dí dỏm hay trong tình huống cô con dâu càu nhàu bà mẹ chồng, chẳng có gì vui, mà tiếng cười lại phát ra rả. Thậm chí khi ông bố của các nhân vật chính bị té ngã đau điếng - người xem giật thót mình lo cho ông cụ thì trong tivi lại phát ra tràng cười giòn tan, thật vô duyên! Mục đích của tiếng cười được lồng sẵn là để tăng hiệu ứng tình huống hài hước (giống phim hài nổi tiếng như Mr Bean). Nhưng để người xem có thể đồng cảm thì phải chọn đúng tình huống để lồng tiếng cười, đằng này...

Ngoài ra, phim này còn có một điểm khiến người xem bực mình vì đã Việt hóa phim Hàn một cách tự tiện. Đó là khi các nhân vật trong phim (DV Hàn, vai diễn Hàn, bối cảnh Hàn) hát thì cất lên những bài nhạc Việt 100% như: Hai con thằn lằn con, Cháu lên ba và nhạc phim Dù gió có thổi (một bộ phim VN đang chiếu trên kênh HTV3)... làm người xem khó chịu.

Khi xem phim, khán giả không chỉ quan tâm đến nội dung mà còn muốn tìm hiểu văn hóa của quốc gia đó. Và âm nhạc - dù là những bài hát trong phim, cũng là một phần quan trọng thể hiện bản sắc văn hóa của một đất nước. Sao có thể thay đổi tùy tiện như thế? Thử hỏi, nếu bộ phim Cánh đồng hoang của chúng ta được chiếu ở nước ngoài và trong đó những câu hò ngọt ngào được hát bằng tiếng Nhật, tiếng Hàn... thì chúng ta có buồn không?

Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch công bố 10 sự kiện của năm 2009

Trong khuôn khổ hai ngày làm việc (27 và 28/12) của hội nghị triển khai công tác Văn hoá - Thể thao - Du lịch năm 2010 tại Đà Nẵng, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch đã chính thức công bố 10 cụm sự kiện tiêu biểu nhất trong năm.

1. Quốc hội khoá XII thông qua ba luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hoá, Luật sở hữu trí tuệ và Luật điện ảnh.

* Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá đến 2020, xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với 10 di tích lịch sử - văn hoá.

* Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch công khai Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ với 179 thủ tục.

2. UNESCO đã ghi danh Dân ca quan họ Bắc Ninh vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; ghi danh nghệ thuật Hát ca trù vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Tổ chức này cũng đã ra Nghị quyết tham gia Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hát ca trù được UNESCO đưa vào danh sách
di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp

3. Các hoạt động văn hoá đối ngoại tiêu biểu trong Năm ngoại giao văn hoá: tuần Việt Nam tại Anh, Lào, Nga, Nam Phi, Venezuela, Braxin; các hoạt động nghệ thuật của Việt Nam tại Trung Quốc, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Italia; chương trình Gặp gỡ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ); thành lập Dàn nhạc Việt Nam và tổ chức biểu diễn tại Lào; Tuần văn hoá Hàn Quốc và Tuần văn hoá Campuchia tại Việt Nam; Dàn nhạc giao hưởng New York Philharmonic biểu diễn tại Việt Nam.

4. Các hoạt động nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn: Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn; Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phú; Triển lãm 40 năm ngành Văn hoá - Thể thao - Du lịch thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tuần Văn hoá - Du lịch Quảng Nam hướng đến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn

5. Các hoạt động văn hoá truyền thống trong tiến trình giao lưu và hội nhập văn hóa thế giới: Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam; Festival Cồng, chiêng quốc tế; Cuộc thi Hoa hậu Quý bà đẹp 2009; Festival Lúa gạo tại Hậu Giang và Những ngày Du lịch, Văn hoá Mê Kông - Nhật Bản tại Cần Thơ.

Hoạt động tại Festival lúa gạo tại Hậu Giang

6. Phim Đừng đốt đoạt giả đặc biệt do khán giả bình chọn tại Liên hoan phim Quốc tế Fukuoka (Nhật Bản); Việt Nam đoạt 4 giải nhất trong 7 giải thưởng của Cuộc thi Âm nhạc quốc tế tổ chức tại Indonesia.

Poster của bộ phim Đừng đốt

7. Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 3 (AIG3) tại Việt Nam để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ cả nước và bạn bè quốc tế. Đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ 2 trong tổng số 43 quốc gia tham dự.

Đại hội thể thao châu Á trong nhà tổ chức tại Việt Nam.

8. Đoàn thể thao Việt Nam xuất sắc xếp thứ 2 tại Seagame 25 với 83 Huy chương vàng, 75 Huy chương bạc và 57 Huy chương đồng.

Đội tuyển bóng đá nữ của Việt Nam tại Seagame lần thứ 25

9. Diễn đàn Du lịch ASEAN 2009 và Chương trình kích cầu du lịch “Ấn tượng Việt Nam”

10. Vịnh Hạ Long lọt vào vòng chung kết bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới; Vịnh Lăng Cô (Huế) được công nhận và xếp hạng vịnh đẹp nhất thế giới.

Vịnh Lăng Cô (Huế) được xếp hạng vịnh đẹp nhất thế giới.

Một mình mong manh giữa hành lang lạ...

PNO - Đôi khi tôi tự hỏi điều gi sẽ ở lại cùng nhà thơ sau những bất trắc của cuộc đời và nâng ta dậy như người tri âm tri kỉ. Đó có phải là thơ chăng? Làm thơ cốt để vui vẻ thì cũng chẳng hại đến ai, cốt để nổi danh thì xưa nay không hiếm, nhưng làm thơ cốt chỉ biết đến thơ thôi thì xưa nay không nhiều và bằng cách nào đó, nhà thơ nọ đã chấp thuận chung thân với nỗi buồn vĩnh cửu. Khi nhận được tập thơ Buổi sáng có rất nhiều chuyện kể của nhà thơ PN.Thường Đoan, cảm giác ấy trong tôi rõ ràng hơn bao giờ hết như khi soi mình qua mặt kính trong ngày đông muộn. Một nỗi cô đơn thầm kín len nhẹ và dần thấm sâu lồng ngực nhưng lại không quá bi luỵ, muộn phiền.

Tôi còn nhớ giữa hằng hà câu chuyện bỏ dở ở sân bay, cạnh bến xe bụi mù hay bên ly cà phê nhạt là phút im lặng ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp: đó có khi là khoảnh khắc ánh nắng rực rỡ phản chiếu sắc xanh của loài cây không tên, của đoá sứ trắng nuột nà làm buổi trưa bỗng dưng thanh mảnh, dịu nhẹ hay lúc phát hiện con sóc hồn nhiên trong thành phố náo nhiệt : tôi ngắm sóc múa trên dây điện/ trên cột điện/ trên cây si già/ lòng reo vui sáng sớm (Những con sóc)… Vậy đó. Chị có nhiều giờ lang thang bất tận chỉ để chạm khẽ vào thế giới biển cả, ngồi bên cạnh lặng nghe tiếng sóng biển vỗ về từ phía xa khuất nào hay quảy ngược ba lô lên núi đồi, cố bắt kịp hơi thở dịu dàng của sắc hoa dại tràn ngập ngõ ngách tâm hồn, vào chợ Âm Phủ ngắm con người xôn xao mua bán mà lòng vui phơi phới. Có lần đến Đà Lạt lúc 9-10 giờ đêm, lúc bão đổ bộ, thành phố mất điện, cây gẫy đổ khắp nơi; sáng mờ tôi đã thấy chị đứng cạnh khung cửa kính tầng 2 khách sạn ngắm mưa rơi trên dãy nhà tăm tối lòng thoáng buồn vụng dại. Tôi biết chị yêu khung cảnh giản dị ấy, tìm nơi đó sự bình lặng của kiếp người chỉ cần chạm vào hơi lạnh/ đêm nay đã biết mình vui (Đằng kia có phải là khói núi) hay: Thê Húc chiều qua rớt một nhịp chòng chành/ sáng nay gió mát rất bình yên (Cóc-tai).

Nhiều người quen Thường Đoan đều biết, đón chị ở cơ quan thường là lũ mèo hoang tội nghiệp; về đến nhà lại cũng chính bọn mèo chó cộng thêm các bạn cây cỏ ríu rít trong khu vườn nhỏ, chào thân mến. Ngoài công việc, chị ít giao tiếp với người khác. Chị chọn lối sống thẳng thắng, đôi khi bất cần nhưng có nhiều độ lượng, khép kín. Mỗi người là một thế giới và chị giữ cho mình cái thế giới bất khả xâm phạm ấy như một nỗi đau và niềm kiêu hãnh riêng tư. Có lần gặp phải trộm, có lần phải tự cấp cứu mình trong đêm, chưa kể gánh vác đủ chuyện trong nhà ngoài phố nhưng chỉ “mưa nắng một mình mưa nắng chịu” (Gà không gáy bông lý vẫn xanh), vậy mà có lúc chị không sao xua đuổi được ý nghĩa: “căn phòng miễn cưỡng chứa tôi” (Ngày lễ). Sáng nào cũng vậy, chị vốc một nắm thuốc rồi đến cơ quan, bắt đầu ngày mới. Tôi giả dụ lỡ chị xảy ra chuyện gì thì chắc chẳng ai biết, chị chỉ cười. Buồn tủi lắm thì ới ới bạn bè Đoan bị thế này Đoan bị thế kia, bạn bè thương lắm cũng chỉ an ủi vài câu thôi chứ biết làm thế nào nên Lao xao lúc đối bóng/ Lòng đau một cách tự nhiên (Tự nhiên). Rồi cuộc sống cũng đâu vào đấy, muốn khác cũng chẳng được. Tai họa (hay hạnh phúc) ẩn náu đâu đó, có thể đến vào giờ phút khó đoán thế nên khi vô tình quan sát chị, tôi tìm thấy thoáng bình yên khủng khiếp. Cái bình yên của một người từng trải, sẵn sàng đón nhận đời sống một cách thiết tha, tin yêu nhất nhưng cũng nghiệt ngã nhất: một chồi cây vướng vào gió lạnh toát/ mọc vào nơi kẻ hở trái tim (Sinh nhật tháng 12).

Nhưng có lẽ xuyên suốt tập thơ Buổi sáng có nhiều chuyện kể là tâm sự tuôn trào về tình yêu của người đàn bà cô đơn được diễn tả bằng không ít câu thơ hết sức dễ thương: Buổi sáng muốn gọi anh/ nắng nói lời mê ngủ/ gió se lạnh chối từ/ quàng nổi nhớ chạy quanh chiếc bàn nhỏ (Buổi sáng). Nói về nỗi say đắm vô cùng khi được yêu, giọng thơ của người đàn bà này lúc nào cũng hân hoan khó tả: cám ơn sự lặng lẽ của đất trời/ để em nghe được trái tim anh nói/ cám ơn cả giấc chiêm bao chiều ngắn ngủi/ đầy hơi thở đàn ông (Hư ảo), những chiều ngất ngây không nói lời tạ từ (Vời vợi). Niềm vui vốn qua nhanh như gió, tự khi nào, những dự cảm của mất mát mọc rễ và bám chặt trong từng hơi thở chị: ôm khoảnh khắc cuối cùng/ anh của ngày nồng nhiệt sẽ tan (Hạ huyền một đêm kia). Tôi trộm nghĩ, phải chăng đây mới chính là gương mặt của tình yêu: bong bóng mưa trôi trôi trôi/ con mắt mù màu băng qua đèn đỏ/ tình yêu đứt thắng thét kinh hoàng (Quán mưa) vì sự phản trắc tạo nên thế giới, đủ để lại trong lòng chị nhiều vết thương khó hàn gắn: ở chỗ ngã ba có chuyến xe rẽ ngược/ tình yêu nằm giữa đường ray (Mộc). Cuối cùng chỉ còn cách ôm trọn những khúc mắc của tình yêu đỗ vỡ, chị đau đớn thốt lên trong bóng tối như là cách duy nhất tự xoa dịu mình: em cởi áo làm huyệt chôn trăng/ trái tim rớt theo cơn nghẹt thở (Hạ huyền một đêm kia).

Với người khác tình yêu có thể chỉ là một trong rất nhiều mối quan tâm nhưng với PN.Thường Đoan, tình yêu hẳn là nỗi khắc khoải sâu xa nhất: người đàn bà là một ụ đất chết/ cơm trốt xoát hình trôn ốc, cong/ biển xô vật vã không mòn tiếng khóc (Tắc kè kêu sau bão). Ấy thế cũng chính nhờ nó, chị đã sống đến tận cùng cảm giác: con đường về biển lóc xóc nụ hôn/ mùa cuối đông dạt về phía kia ốc đảo/ mặc mắt sứa bốc lửa xanh ngạ quỷ chế nhạo/ chân còng cuống quýt reo/ ta đốt cạn ngày còn (Lá non).

Nhưng thực sự cái mà tôi thích chị hơn cả là sự can đảm, có nhiều phần lạnh lùng chịu đựng, mặc kể bất ổn bủa vây: tôi lau sạch bụi trên tường có gương mặt người đàn ông/ nói yêu bằng lưỡi nhọn (Quán mới); em đưa một cánh tay dựng làm bia mộ không cần chia buồn/ mai người có đi qua không cần phải nhìn/ em còn một tay kia vẫy chào lận đận (Hạ huyền một đêm kia); nấm đất mùi sữa cài bóng hoa đỏ vỡ/ dạt có hết không/ tôi không xin ngọn gió nồm đứng lại/ an ủi mùi tanh tưởi góc vườn (Thêm một con mèo chết); để rồi lời tỉ tê hắt bóng trong đêm cô quạnh lại vang lên nhưng nhẹ nhàng, lặng lẽ thôi: Rồi ngõ lạ đêm đêm quen/ khi người đi khỏi cửa (Vời vợi)

Khép tập thơ lại, tôi nhiều lần chỉ muốn lưu giữ tiếng cười giòn tan trong đêm phố cổ Hội An đèn lồng rực rỡ, gương mặt sáng đón trăng tròn đẹp bên sông Cầu và những khuya đi dọc phố nhỏ dưới tàn lá thấp của Hà Nội mà chợt nghĩ về bài thơ chị sẽ viết. Tôi biết, dẫu thế nào, những dòng thơ nhỏ bé ấy sẽ được thoát thai từ trái tim ngập tràn nỗi im lặng trìu mến, cám ơn vì có lần ghé lại thế giới này.

Đẹp lên không cần 'dao kéo'

Đẹp lên trông thấy sau một thời gian, nhiều ca sĩ khẳng định họ kiêng cữ, tập luyện rất căng thẳng chứ không nhờ vào kỹ thuật chỉnh sửa.

Trước ánh mắt nghi ngờ của nhiều người về gương mặt lạ mà quen của mình, ca sĩ Lệ Quyên khẳng định, đó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trừ phẫu thuật. Theo quan điểm của nữ ca sĩ này, thẩm mỹ chỉ có thể giúp con người tôn thêm nét đẹp sẵn có, không thể biến một người từ xấu thành đẹp. Lệ Quyên cho biết, sự thành công trong công việc mang lại điều kiện tốt hơn để chăm sóc bản thân như dùng mỹ phẩm và nghệ thuật trang điểm khiến gương mặt gọn gàng, đi spa chăm sóc da và tóc; biết quan tâm đến mình hơn bằng cách tập thể dục cho thân hình cân đối… Quan trọng nhất, theo Lệ Quyên, tinh thần luôn sảng khoái, thoải mái sẽ ảnh hưởng đến vẻ đẹp bên ngoài.

Dù mới làm mẹ nhưng “mắt nai” Hồng Ngọc vẫn giữ được vóc dáng mảnh mai. Hồng Ngọc nói đó là may mắn trời cho, không phải ai cũng có. Ngoài ra, Hồng Ngọc cho biết chị chạy bộ mỗi ngày để loại trừ mỡ thừa mà không cần nhờ tới bác sĩ phẫu thuật. Ca sĩ Đức Tuấn cũng khẳng định anh tuân theo chế độ ăn kiêng và tập luyện nghiêm ngặt, nên sau một thời gian có đường nét và vóc dáng khác hẳn chàng ca sĩ hơi mập, da ngăm đen trước kia.


Ca sĩ Lệ Quyên khẳng định không hề chỉnh sửa bất kỳ chỗ nào trên mặt,
trừ việc tẩy một nốt ruồi xấu tướng.

Trước những ngờ vực, Đức Tuấn nói anh không thừa thời gian và tiền bạc đổ vào công cuộc thẩm mỹ đầy mạo hiểm. Anh cũng bày tỏ rằng mình hiểu cảm giác của những đồng nghiệp khác khi họ bị nghi ngờ. “Chẳng hạn Mỹ Tâm, cô ấy đẹp lên không phải do phẫu thuật như nhiều người nói. Với chế độ tập luyện căng thẳng, cô ấy dù có muốn cũng không thể mập lên. Ngoài ra, kỹ thuật trang điểm cũng giúp gương mặt, thần thái của Tâm khác đi, chứ đường nét của cô ấy từ xưa tới nay vẫn vậy”, Đức Tuấn khẳng định.

Ngoài “ngón” chạy bộ mà hầu hết nghệ sĩ áp dụng, mỹ phẩm cũng đóng vai trò quan trọng vào mục tiêu “nhất dáng nhì da”, ngay cả với nghệ sĩ nam. Ca sĩ, diễn viên Hứa Vĩ Văn cho biết anh thường giữ da sạch bằng cách rửa mặt với sữa chuyên dụng mỗi sáng và tối, dùng kem dưỡng da và massage mặt. Để giữ thân hình gọn gàng, Hứa Vĩ Văn bắt cơ thể vận động bất cứ khi nào có thể. Mỗi sáng thức dậy, anh thường bật nhạc, nhảy theo điệu mình thích. Theo Hứa Vĩ Văn, nhờ vậy mà anh giữ được thân hình gọn gàng và làn da khỏe mạnh.

Ca sĩ Cao Thái Sơn cũng luôn xuất hiện với làn da sáng. Anh kể, thời tiết TP HCM quanh năm nắng nóng, bụi bặm nên những ngày mới từ Bắc vào lập nghiệp, mặt anh nổi nhiều mụn. Từ đó về sau, cứ ra đường, anh lại sử dụng khẩu trang, vừa che bụi vừa giữ da khỏi bắt nắng, và dùng sữa rửa mặt đều đặn để giữ cho da luôn sạch.

"Chào Việt Nam" giữa muôn vàn lạ - quen


Đàm Vĩnh Hưng sẽ hát ca khúc đáp lại lời chào VN của Phạm Quỳnh Anh - Ảnh: TNO
Đã từng có những mùa mưa nắng, những mùa sen, những ngày mới... trên sân khấu Duyên Dáng Việt Nam (DDVN), và nay với chương trình 15 năm nhìn lại, chủ đề DDVN không trừu tượng, xa - gần nữa, mà rất giản dị và thân thương: Chào Việt Nam!

Chào Việt Nam cũng chính là tên (lời Việt) ca khúc Bonjour Việt Nam (tác giả: Marc Lavoine), một bài hát mà ngay từ lần đầu tiên vang lên đã khiến bao con tim người Việt, dù sống xa quê hương hay ngay trên mảnh đất này đều rưng rưng, thổn thức, bởi chính giai điệu của nó, và cả giọng hát thanh khiết của Phạm Quỳnh Anh, ca sĩ người Bỉ gốc Việt. Vì thế, lấy Chào Việt Nam làm chủ đề chương trình DDVN lần này, những người thực hiện mong muốn chương trình sẽ mang đến cho khán giả cảm giác gần gũi, xúc động và thân thương từ những câu chuyện của ngày trở về, trong nỗi niềm vừa lạ vừa quen...

Vẽ bức tranh Việt bằng âm nhạc

Nếu Phạm Quỳnh Anh, vị khách đặc biệt đến với DDVN 21 bằng Bonjour Việt Nam, thì trên “sân nhà”, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng có sự “đáp trả” khi là người vẽ nên ý tưởng cho bức tranh VN trong ca khúc Việt Nam 2020. “Từ khi biết chương trình có sự trở về của cô bé này (Phạm Quỳnh Anh - PV), trong đầu tôi luôn quẩn quanh suy nghĩ: phải có cái gì đó để “kể” cho cô ấy nghe lại, khi cô ấy hát Bonjour Việt Nam, khi cô ấy muốn kể cho tôi nghe về những điều chưa biết..., khi tôi chỉ biết quê hương qua hình ảnh của chiến tranh (lời dịch trong ca khúc). Vậy là trên chuyến bay dài của đợt lưu diễn cách đây không lâu, tôi chợt nghĩ, sao mình không vẽ ra bức tranh VN thật đẹp, thật tươi sáng, sinh động, để “kể” trong dịp này...”, Đàm Vĩnh Hưng tâm sự.

Đến thời điểm này, các khâu chuẩn bị của DDVN 21 đã vào giai đoạn cuối để có thể hoàn chỉnh vào ngày 30.12, phúc khảo và bắt đầu công diễn vào đêm 31.12. Do kịch bản ban đầu có vài thay đổi nhỏ, nên trong chương trình sẽ có sự thay đổi một số ca sĩ để đảm bảo nội dung.

Từ ý tưởng đó, sau nhiều lần trao đổi cùng với nhạc sĩ Lê Quang, Việt Nam 2020 được hình thành. Trong bài hát này, Đàm Vĩnh Hưng vẽ nên thật nhiều, từ những cánh đồng vàng bông lúa, những dòng sông trong xanh yên bình, đến những chuyến tàu nối liền các vùng miền, để tình yêu không còn xa cách... Và cuối cùng, là “để những người thương yêu VN ở mọi nơi sẽ cùng trở về và căng bức tranh ấy lên cho cả thế giới nhìn thấy”... Anh cho biết: “Chính ước mơ và niềm tin về VN năm 2020 trong bài hát này đã cho tôi cảm giác rất phấn chấn, cả sự hãnh diện khi hát lên những giai điệu đó. Hy vọng khi hát câu cuối, khán phòng Nhà hát Hòa Bình sẽ hòa cùng “...để nói với anh, nói với em, với mọi người, Việt Nam quê hương tôi, xin chào”.

Quen nhưng không cũ

Có thể nói, DDVN 21 là chương trình sử dụng nhiều ca khúc quen nhất. Không chỉ quen tai người nghe, mà các ca khúc đó cũng gắn liền với tên tuổi ca sĩ trong nhiều năm trước (như ca sĩ Họa Mi với Em đi rồi, Hương Lan và Cẩm Ly với Còn thương rau đắng mọc sau hè, Cẩm Vân với Sóng về đâu, Lam Trường - Hoa tím ngày xưa, Thanh Thảo - Vị ngọt đôi môi, Quang Dũng - Ngày hôm qua là thế...). Và, không chỉ có “đàn anh, đàn chị” mới có “không gian xưa”, mà cả một số ca sĩ trẻ cũng sẽ thể hiện lại ca khúc hoặc có ít nhiều kỷ niệm, hoặc gắn bó với mình trong giai đoạn nhất định. Do đó, cái khó và cũng là điều trăn trở của những người thực hiện là, làm thế nào để trên những giai điệu không mới ấy, cũng những giọng hát, những gương mặt thân quen ấy, làm toát lên được những nét duyên mới, lạ, mang đến những cảm xúc mới cho khán giả.


Thùy Chi, ca sĩ trẻ nhất
tham gia DDVN 21
- Ảnh: TNO

Là ca sĩ trẻ nhất tham gia DDVN lần này, thế nên dù hát lại bài “ruột”, dù đã làm quen với sân khấu ca nhạc gần 4 năm rồi, Thùy Chi (sinh năm 1990) vẫn thấy bồi hồi. Song, cô cho biết: “Vài ngày trước, đạo diễn hỏi em có hát tốt được Giấc mơ trưa như anh ấy từng nghe qua máy không, em trả lời rằng giọng hát của em hợp với những gì mang tính mộc, nên nếu biểu diễn với piano, thêm một vài nhạc cụ nữa thì chắc là sẽ được như đạo diễn mong muốn”. Với Thùy Chi, Giấc mơ trưa (thơ: Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc: Giáng Son) được cô biểu diễn không biết bao nhiêu lần trong hơn 3 năm qua, nhưng “chưa bao giờ em thấy nó cũ”. Bởi, “đó là bài hát ngay lần đầu nghe, em đã yêu thích, học thuộc rất nhanh và nhờ một anh bạn nhạc sĩ phối lại, thu âm ngay sau đó...”.

Có một điều khá thú vị là về sau tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến cho biết có một vài chữ trong lời bài hát ấy bị sai, cả người hát đầu tiên (Khánh Linh) lẫn Thùy Chi đều hát chưa đúng (...đó là chân trời hay là mưa núi đồi, chứ không phải mưa cuối trời; mùa đã quên đi những lần em buồn, chứ không phải trôi đi những lần em buồn; giờ đã lên hoa những cành hoa vắng, chứ không phải ra hoa...). Nên, “nhất định lần này, em sẽ hát Giấc mơ trưa chính xác nhất, hy vọng không làm buồn lòng người viết nữa...”, Thùy Chi bảo.

Địa điểm bán vé DDVN 21

1. Báo Thanh Niên: 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM. Tel: 0909912588, 0908767310, 0908147342, 38322026, 38394046

2. Nhà hát Hòa Bình: 240-242 đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM. Tel: 097.202.1232, 094.262.4910

3. Tập đoàn truyền thông Thanh Niên: 2B Cao Thắng, Q.3, TP.HCM. Tel: 3929.1846, 3929.1851 (số máy lẻ 202, 251)

4. Bán vé trực tuyến trên trang web www.goon.vn, Tel: 3815.6430.

* Giá vé:

- Vé danh dự (phát hành để ủng hộ Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình và Quỹ Nhân tài đất Việt): 2.000.000đ/vé - Vé tầng trệt: có các mức 500.000đ/vé, 700.000đ/vé và 1.000.000đ/vé.

- Vé tầng lầu: có các mức 200.000đ/vé, 300.000đ/vé và 400.000đ/vé.

Cơ hội cho diễn viên trẻ: hiếm!

PN - Phim truyền hình phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho nhiều gương mặt trẻ xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, dù họ là những người không qua trường lớp.

Nhưng với sân khấu thì khác, cơ hội cho diễn viên (DV) trẻ vô cùng hiếm hoi. Sau khi tốt nghiệp các trường nghệ thuật, có người kiên trì bám trụ theo đuổi ước mơ, nhưng không ít người lại nản lòng, rẽ ngang, tìm công việc khác khi không thể bước qua cánh cửa hẹp của sân khấu, để bước vào thánh đường nghệ thuật.

Đạo diễn Ái Như nói, số lượng sinh viên theo học đến năm cuối ở các khoa Sân khấu kịch nói của trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh và trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật là rất ít, lắm khi không đủ người để dựng vở tốt nghiệp. Sinh viên theo học các ngành nghệ thuật đã vấp phải sự đào thải khắt khe ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều người trẻ tìm đến phim truyền hình khi còn là sinh viên. Đó cũng là cách họ tự giới thiệu với công chúng. Tuy nhiên, nhiều vai diễn dành cho gương mặt trẻ trên phim truyền hình chỉ nhàn nhạt, không để lại ấn tượng gì sâu đậm. Xuất hiện lần đầu không tạo được dấu ấn ít nhiều đã khiến các gương mặt trẻ nằm ngoài "vùng quan sát" của các đạo diễn sân khấu lẫn truyền hình.


Thanh Duy và Mai Phương trong vở Sám hối trên sân khấu kịch Phú Nhuận

Diễn viên T.T. - một gương mặt có được vai diễn ngay từ khi còn là sinh viên, nhận định: "Không phải DV trẻ nào cũng may mắn được các đạo diễn để mắt đến khi còn đi học. Nhưng sự không kiên định, thiếu kiên nhẫn và tình yêu sâu nặng với nghề đã khiến các bạn rẽ sang đường khác". T. cho biết, nhiều bạn cùng khóa của cô đành phải làm việc tại các công ty - vốn không liên quan gì đến nghệ thuật. Số khác làm MC cho các chương trình. Chỉ một vài người trụ lại được với nghề nhưng chưa ai thật sự thành công nổi trội.

Quả thật, con đường đến với sân khấu của các DV trẻ khá gian nan, bởi các đạo diễn không thể mạo hiểm giao những vai chính, ấn tượng cho "lính mới". Đa phần, các DV trẻ tìm đường đến với phim truyền hình, nhưng sân chơi này không còn là mảnh đất riêng cho những DV đã qua trường lớp đào tạo về nghệ thuật. Theo đạo diễn Minh Nguyệt, khi tìm vai Điền cho vở kịch Cánh đồng bất tận, chị đã tình cờ nhìn thấy Thành Hoàng diễn xuất trong một chương trình văn nghệ của trường. Gương mặt trẻ chưa tốt nghiệp trường Sân khấu - Điện ảnh này may mắn "lọt vào mắt xanh" của người đạo diễn đã làm nên thành công rực rỡ cho vở Cánh đồng bất tận. Thành Hoàng đã để lại ấn tượng tốt với khán giả và giới chuyên môn bằng vai Điền đầy cảm xúc.


Thành Hoàng và Thanh Thủy trong vở Cánh đồng bất tận

Sân khấu kịch Phú Nhuận được xem là nơi đỡ đầu cho nhiều gương mặt trẻ, bởi bà bầu Hồng Vân tin tưởng giao vai cho các tân binh. Điển hình là DV trẻ Thanh Duy đã được giao vai thứ chính trong vở Sám hối và cũng vừa có mặt trong vở Chiếc áo thiên nga. Cơ hội vai phụ cũng dành cho nhiều gương mặt trẻ khác như Tiến Thành, Trung Phong, Gia Bảo, Hà Linh... Trong khi đó, những tên tuổi DV trẻ với các vai diễn từng nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn như Hoài Thương, Cao Danh, Khánh Duy... cho đến nay vẫn chưa có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu.

Đạo diễn Minh Nguyệt cũng thừa nhận, con đường đến với sân khấu của những sinh viên mới ra trường không hề dễ dàng. Ngoài sân khấu kịch Phú Nhuận thì Sân khấu 5B, IDECAF không có nhiều đất dành cho các gương mặt trẻ. Sinh viên mới ra trường cũng khó tìm đến với các sân khấu hài như Kịch Sài Gòn, Nụ cười mới, nếu thiếu duyên hài.

Đạo diễn Ái Như nhìn nhận thẳng thắn, DV trẻ phải tự tìm đường đến với sân khấu chứ không nên nhờ vào sự dẫn dắt của người khác. Diễn viên Kim Huyền - người đã phải nỗ lực rất nhiều khi vượt qua những khó khăn, rào cản để theo đuổi ước vọng của mình - chia sẻ chân thành: "Tôi đã từng bi quan, sợ hãi, đến mức không dám bước đi vì không biết rồi mình sẽ đi tới đâu. Nhưng rồi tình yêu dành cho sân khấu đã vượt lên tất cả. Thật sự, chỉ có niềm đam mê mới có thể đưa chân mình đi đến cuối con đường".

Đường còn xa

PN - Hai người bạn 8X gặp nhau như duyên nợ và cùng đồng hành với nhau gần ba năm qua trên con đường sáng tác kịch bản sân khấu.

30 kịch bản đã ra đời, trong đó có 10 kịch bản cải lương. Tháng 1/2010 được xem là "thời điểm vàng" khi live show Hoài Linh sử dụng đến ba tiểu phẩm, còn sân khấu kịch Hồng Vân thì đầu tư nhiều vào kịch bản Giếng lạ của họ với kỳ vọng sẽ tạo nên một hiện tượng như Người vợ ma.

Gặp nhau vào tháng 7/2009, khi Phạm Tân tốt nghiệp đạo diễn ngành sân khấu và chưa có việc làm, Tuấn Anh cũng vừa rời ngành sư phạm Ngữ văn để bắt đầu nghiệp mới: trở thành sinh viên trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Giếng lạ là sản phẩm hợp tác đầu tiên của họ. Ở Giếng lạ có nhân vật rất ám ảnh: người đàn bà trả thù chồng suốt 16 năm dài đằng đẵng. Ban ngày chị bình thường, ban đêm thì giả ma ngoài giếng. Nỗi hận thù làm nặng lòng cả người trả thù và làm đau đớn người bị trả thù. Làm thế nào để hóa giải oan khiên là một vấn đề nan giải.

Hai nhà biên kịch sân khấu 8X

Tuấn Anh cho biết: "Ý tưởng Giếng lạ đến với hai anh em khi đọc một bản tin trên Báo Phụ Nữ về người đàn bà trả thù chồng bằng cách tra tấn tinh thần. Sau đó, chúng tôi đi đến thư viện để tìm lại các số báo cũ và chỉ tìm đọc những tin tức có liên quan đến những bất hạnh trong đời sống hôn nhân của phụ nữ. Tiếp theo, chúng tôi đến trung tâm tư vấn hôn nhân gia đình để hỏi chuyện các chuyên viên tư vấn về sự trả thù của nữ giới nếu bị chồng phản bội. Sau cùng, cả hai ngồi lại, bàn bạc, xem làm thế nào thì hợp lý với liều lượng vừa đủ”. Phạm Tân "bật mí”: "Giếng lạ sẽ có ma, nhưng ma không phải là câu chuyện chính. Chúng tôi muốn tập trung vào luật nhân quả và những vay trả trong cuộc đời".

Con đường trở thành biên kịch kịch bản sân khấu không trải thảm với hai bạn trẻ 8X này khi đã có quá nhiều "cây đa cây đề” và các sân khấu thường có thói quen sử dụng kịch bản của người quen. Cơ may đầu tiên đến với Tân và Tuấn Anh khi Cuộc chơi nghiệt ngã của họ "vào được" sân khấu kịch IDECAF và hiện nay, vở này đang "nóng" với đề tài và cách đặt vấn đề rất nhân bản về những cặp vợ chồng không có con và những chàng trai hành nghề kỳ lạ: bán tinh trùng. Đầu xuôi thì đuôi lọt, đến lượt bà bầu Hồng Vân đọc Giếng lạ và quyết định đầu tư với kinh phí cao nhất từ trước đến nay.

Năm kịch bản được dựng và tên của hai bạn trẻ đã có mặt trên áp-phích của các vở kịch, show diễn. Đó chưa phải là điều gì lớn lao, nhưng Phạm Tân và Tuấn Anh đã tự khẳng định được mình, là hai gương mặt trẻ 8X hiếm hoi đạt được thành công với nghề biên kịch sân khấu.

Thế nhưng điều quan trọng và đau đáu nhất với hai người bạn này lại là tâm huyết dành cho ngành cải lương. Tân bật mí: "Chúng tôi đã viết 10 kịch bản cải lương và hiện vẫn tiếp tục viết dù không có ai đặt hàng và cũng không biết... bán cho ai. Chúng tôi viết với mong mỏi một ngày nào đó, hai đứa sẽ đóng góp vào sự phát triển của cải lương bằng chút sức mọn của mình". Con đường trước mắt họ còn dài, còn xa nhưng với sự khiêm tốn, biết mình và nương sức nhau để cùng tiến, Phạm Tân và Tuấn Anh đang đi những bước vững chắc.

Mạnh Trung

Nhạc sĩ - Thiếu tướng An Thuyên: "Đến với người lính, sẽ có tác phẩm hay"

PN - Những khúc tình ca của nhạc sĩ (NS) An Thuyên đầy hương vị ngọt ngào và lãng mạn, đã đi vào lòng người nhiều thế hệ.

Ông còn viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều Đoàn Văn công như: Trương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng; khí nhạc, đáng chú ý có Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng... Các giải thưởng mà ông đã đạt được như: giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985: Tiếng đàn balalaica trên sông Đà; giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng: Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994); giải Nhất của Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Khi xe tăng qua miền Quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995)... Đằng sau binh nghiệp và những tác phẩm âm nhạc là những yêu thương và trăn trở đầy tâm huyết của một vị tướng. Ông đã chia sẻ những tâm tình của mình với PNCN vào một chiều cuối năm bận rộn...

* Mấy thập kỷ gắn bó với quân đội, với việc đào tạo các giọng ca của Trường Nghệ thuật Quân đội, ông còn nhớ kỷ niệm đặc biệt nào về những học trò của mình?

- Nhiều lắm, không kể hết được. Cực nhọc, gian nan, vui nhiều, buồn lắm, ngọt ngào và cay đắng chẳng ít. Từ một trường rất bé nhỏ trở thành một trường đại học có uy tín, mấy trăm cán bộ, giáo viên được lao động sáng tạo, cống hiến, mấy nghìn học sinh được học hành, có nghề nghiệp, ra đời có công ăn việc làm vững chắc. Trong số họ, có cả một thế hệ nhanh chóng trở thành những tài năng nghệ thuật, góp phần làm mới mẻ nền nghệ thuật đương đại nước nhà. Tôi quên sao được những gương mặt của các chiến sĩ mang những gian nan, lam lũ của đời sống quân ngũ về với mái trường. Càng không thể quên được hàng nghìn con em đến từ vùng dân tộc ít người, vùng sâu vùng xa nghèo khó, được quân đội gọi về nuôi dưỡng và đào tạo. Họ đang, sẽ trở thành những "hạt giống đỏ” của nền nghệ thuật.

* Nhìn lại con đường đã qua, điều gì làm cho ông hài lòng nhất về bản thân và điều gì ông mong muốn được làm lại?

- Tôi hài lòng với cuộc sống của tôi, của gia đình tôi. Tôi biết ơn tất cả. Nếu được làm lại, tôi sẽ tiếp tục con đường đã chọn. Tôi sống với tôn chỉ riêng của mình: yêu con người, vì con người và tin con người. Nhưng nếu được làm lại, tôi nghĩ, có lẽ mình phải biết tin con người đúng hơn, sáng suốt hơn. Bởi thú thật, thỉnh thoảng tôi cũng bị những người mà mình dành hết sự tin tưởng "đá hậu". Âu cũng là mặt trái của cuộc sống...

* Môi trường quân đội đã tác động đến cuộc sống của ông như thế nào? Vì sao ông quyết định gắn bó đời mình với binh nghiệp?

- Gia đình tôi cả bốn người đều mang quân phục. Chuyện gắn bó đời mình trong quân ngũ có lẽ là số mệnh chăng? Ngày tôi vừa sinh ra (15/8/1949) đã nghe tiếng súng đạn, đầu đời đã có sự nuôi dưỡng của làng xóm quê hương và cả sự hy sinh xương máu của những người lính. Tôi theo quân đội có lẽ là điều đã được định trước...


Gia đình nhạc sĩ An Thuyên - Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Một gia đình toàn nghệ sĩ với cha là NS An Thuyên, con trai là NS An Hiếu, con gái là ca sĩ Bông Mai, có gì đặc biệt so với những gia đình khác, thưa ông?

- Người có công lớn nhất đó là "bà xã”, đạo diễn sân khấu, nguyên chủ nhiệm khoa Sân khấu - Điện ảnh và viết văn trường Đại học VHNT QĐ. Đó là người đàn bà biết lùi, hy sinh cho chồng con tiến tới. Hai đứa con đã trưởng thành có nghề nghiệp ổn định. Hiện Hiếu đi nghiên cứu sinh ở Trung Quốc, Mai đang học đại học ngành đạo diễn điện ảnh. Cuộc đời còn nhiều chông gai, nhiều thử thách mà các cháu phải tự thân "chiến đấu", có vấp ngã thì tự đứng dậy tiếp tục đi tới. Tôi muốn cuộc đời mình là tấm gương cho các con trong lao động và tư cách sống. Tôi chỉ dặn các con phải biết yêu cuộc sống và biết yêu thương con người.

* Quyết định chuyển từ Nghệ An lên Hà Nội, hẳn gia đình ông gặp không ít khó khăn?

- Mọi sự chuyển đổi đều có cái giá của nó. Gia đình tôi từ Nghệ An ra Hà Nội cực nhất là nghèo, quá nghèo nên rất khổ. Thời đó dân gian có câu "năm 80, gạo 80, dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ". Ra Hà Nội trong thời điểm đó, gia đình tôi không đồng vốn liếng, không họ hàng thân thích. Kiếm cho mình ít "chữ" cũng đâu dễ dàng, "khổ tận cam lai...". Xa quê, tôi yêu quê hơn, hiểu văn hóa xứ Nghệ hơn, lại gặp được văn hóa Bắc Hà, hai cái "lộc" lớn của cha ông đã cho tôi được chút ít, làm nên cái tên An Thuyên. Ở tuổi 60, tôi vẫn hăng say lao động, mong được trả nghĩa nhiều hơn cho cuộc đời.

* Chuyện tình yêu của ông bà cho tôi được tò mò. Người lính yêu có lãng mạn hay... khô như ngói ạ?

- Tôi mệnh hỏa, nhưng lại yêu nước, lý trí và tình cảm, nóng nảy và ướt át, cứng rắn và mềm yếu... hai mặt đối lập cứ bện chặt vào cuộc đời tôi, làm nên nhân cách tôi. Tôi nhìn phụ nữ phức tạp, nhưng chả có người phụ nữ nào xấu cả. Bởi tất cả họ đã làm nên âm nhạc của tôi. Nghe âm nhạc của tôi chắc các bạn sẽ không chê tôi "khô như ngói"...

* Nhiều ca khúc của ông được người yêu nhạc nồng nhiệt đón nhận, Ca dao em và tôi là một trong số đó. Xin ông chia sẻ hoàn cảnh sáng tác và những kỷ niệm liên quan đến ca khúc này?

- Bài hát này tôi viết năm 1997 từ bài hát chính của nhân vật Trương Chi trong nhạc kịch cùng tên (tôi viết vở này năm 1988 cho Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng). Trương Chi nhà nghèo chỉ có tiếng hát, đem lòng mê si Mỵ Nương cung vàng điện ngọc, gặp nhau rồi vỡ mộng. Làm gì có tình yêu khi người ta cứ viển vông với những điều không có thật. Chàng đau đớn thất vọng vô bờ, cất tiếng hát gửi lại cuộc đời rồi nhảy xuống dòng sông quê tìm cái chết. Thế mới có câu hát "cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ, chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng, đưa tôi về với người tôi yêu"... Tôi như người sống tiếp đoạn sau của Trương Chi, làm theo lời dặn: hãy sống với những gì có thật chung quanh mình, cùng đắng cay, buồn vui, hạnh phúc, đừng ảo huyền xa xôi, dù cái có thật có nhỏ nhoi đến đâu cũng đáng sống...

* Hiện có nhiều ca khúc nhạc "nhái", ca từ hời hợt, giai điệu dễ dãi. Theo ông, tại sao những sản phẩm như vậy lại xuất hiện quá nhiều, thậm chí còn được nhiều bạn trẻ yêu thích?

- Đấy là mặt trái của sự phát triển xã hội, mặt trái của sự làm ăn theo cơ chế thị trường. Rác thải, cặn bã ô nhiễm môi trường sống và môi trường văn hóa nhiều vô kể, đó là những nguy cơ lớn. Nhưng phải biết chấp nhận, bình tĩnh và cả xã hội đều tìm cách thải loại những gì chưa tương xứng với văn hóa VN. Mỗi con người đều khát khao đổi mới đất nước giàu đẹp, thì những thứ rác rưởi sẽ bị dẹp tan. Nền âm nhạc của chúng ta trong thời kỳ "trở dạ”, đang có những chuyển biến tích cực.

* Gần đây ít có những ca khúc về hình tượng người lính thời bình, những người lính ở Trường Sa đang ngày đêm canh giữ Tổ quốc, điều này có làm ông băn khoăn?

- Người lính Cụ Hồ là hình tượng cao đẹp như một xác lập văn hóa trong lẽ sống con người. Nhiều năm qua, người lính là nhân vật trung tâm của xã hội. Hòa bình rồi, ta xây dựng đất nước, người lính không còn là nhân vật trung tâm ư? Có vẻ như thế trong một quan niệm nào đó đang tồn tại, cần phải được trao đổi thêm. Hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay là: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, người làm kinh tế với người lính có vị trí quan trọng như nhau trong hòa bình. Người lính trong hòa bình vẫn còn nguyên vẹn sự hy sinh, gian khổ như trong chiến tranh. Họ đang chiến đấu, hy sinh quên mình để chiến tranh không xâm phạm đất nước, để hòa bình vững chắc. Hơn nữa, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn còn nguyên vẹn tính mới mẻ và hấp dẫn người sáng tạo nghệ thuật khi những hình tượng anh hùng, những con người, mảnh đất anh hùng giữ nước vẫn còn sống mãi. Tôi nghĩ, đề tài về người lính trong âm nhạc bây giờ phong phú và đa dạng hơn nhiều đấy chứ! Đó vẫn là mảnh đất màu mỡ cho những sáng tạo. Hãy đến với người lính, yêu người lính hơn, ta sẽ có nhiều tác phẩm hay.

Một ngày

PN - 23g.

Đang mơ màng thì bị tiếng khóc của con Bi đánh thức. Đầu óc ong ong, khắp người đau ê ẩm. Trận say rượu hôm qua vẫn khiến mình chưa kịp hoàn hồn.

Uể oải, mắt nhắm mắt mở sang phòng bên. Con Bi đang khóc i i. Bên cạnh là thằng Đức, anh trai nó, đang vỗ vỗ bàn tay nhỏ lên vai em. Nó vừa ngủ vừa ru em. Lão anh mình vẫn chưa về. Khắp căn phòng nhỏ bừa bộn. Mẹ lại đi thăm chị Hoài sáng nay. Mình bế con Bi lên dỗ: "Bi ngoan, Bi ngoan của cô nào...". Con Bi quàng tay ôm chặt cổ mình, ri ri một lúc rồi im.

Con Bi ngủ rồi nhưng mình chẳng thể nào nhắm mắt được. Đồng hồ đã chỉ 12g khuya. Lão biết hôm nay mẹ vắng nhà nên cố ý về muộn. Bấy lâu nay, lão ban cho bản thân cái quyền được chán đời, bỏ mặc việc chăm sóc hai đứa nhỏ cho mẹ và mình. Hôm nào về nhà cũng sặc mùi thuốc lá. Có lẽ, lão dành phần lớn thời gian để hút thuốc. Mà lão không biết uống rượu, nên muốn tiêu sầu bằng rượu thì chỉ cần một chén là say quên chết. Chẳng hề giống chị dâu, họ thật khác nhau. Vậy mà đã có thời họ sáp làm một.

1g.

Sao hôm qua mình lại uống nhiều đến thế? Đến nỗi, đất trời nghiêng ngả và chẳng biết gì nữa. Mà có phải mình buồn bã, chán đời chi đâu. Trái lại, còn rất yêu đời ấy chứ. Sáng nay biết chuyện, Tấn càu nhàu: "Em sao thế? Trước nay có bao giờ em như thế đâu?". Mình cười hì hì, cố ý dài giọng, vừa để chữa ngượng, vừa trêu Tấn: "Anh à, chuyện này rất thú vị. Say rượu ấy mà. Em phát hiện ra một điều: Muốn yêu ai đó, trước hết hãy yêu chính mình". "Và em yêu chính mình bằng cách này sao?". "Anh đừng khắt khe thế! Say rượu, có trầm trọng gì đâu. Say rồi sẽ tỉnh. Tỉnh rồi ta vẫn là ta, mọi người vẫn là mọi người. Có điều, khi say người ta dễ có dũng khí để nói những điều mà bình thường không dám nói. Sợ nhất là không bao giờ say và không bao giờ tỉnh".

Nhưng hôm qua, trong nồng nàn men say ấy, mình có nói với ai là mình yêu Tấn không nhỉ?

"Em nói nghe chẳng giống người lần đầu say tí nào. Mà giống hệt chị anh".

Phải rồi. Đó chính là những lời của chị Tấn, chị dâu mình. Mình đã từng sống chung một mái nhà với chị ấy bảy năm, xem ra đã lĩnh hội được nhiều điều thú vị từ chị.

Chị ấy, ngày chưa về làm dâu, đã tỏ ra là một cô gái khác người. Đẹp và ngông. Chị thường bảo: "Uống rượu cũng thú vị lắm chứ, sẽ phân biệt được ai hay ai dở, ai tốt ai xấu". Rồi chị cười rất thoải mái: "Chị giống bố đấy, sinh thời ông cụ cưng chị lắm, cưng hơn thằng em chị nhiều. Thằng đó chỉ được mỗi đẹp trai...". Vậy mà giữa những người bạn trai mạnh mẽ, sôi nổi, không hiểu sao chị lại bị hút hồn bởi lão anh mình, người cả ngày chẳng nói được một câu ra hồn.

4g.

Có tiếng lách cách mở khóa, và tiếng bước chân nặng nề của lão anh. Từ ngày vợ bỏ đi, lão đâm ra ham làm giàu tợn. Lão sẵn sàng nhận mọi việc để làm thêm.

Một hình thức chạy trốn?

Nếu biết sau bảy năm chung sống mà buồn thế thì họ đã chẳng cố mà lấy được nhau. Dẫu có thời họ rất hạnh phúc.

"Sao chị lại "đổ” vì anh của em? Lão ấy có biết tán gái bao giờ đâu!". Ngày họ yêu nhau, mình đã hỏi chị dâu như thế. Chị cười nghiêng ngả.

Ngày ấy, bố mẹ mình phản đối dữ lắm. Bố còn tuyên bố thẳng thừng với lão anh: "Mày cưới nó về thì tao ra khỏi nhà lập tức. Có nó thì không có tao. Chọn đi!". Cuối cùng, chị ấy vẫn về làm dâu, và bố cũng chẳng đi đâu. Ông chỉ than trời: "Cái duyên cái số sao nghiệt ngã!".

Ngày cưới, chị muôn phần xinh đẹp, còn Tấn buồn xo, mắt hoe đỏ như khóc. Trước khi lên xe hoa, chị kéo Tấn lại gần, mắng: "Cái thằng hâm, chị đi lấy chồng mà cũng khóc!". Chiếc xe hoa lao vút, xác pháo tả tơi mặt đất. Tấn đứng đầu ngõ trông theo.

Bố mẹ mất sớm nên chị phải cáng đáng mọi việc trong nhà như một huynh trưởng. Về nhà chồng mà lúc nào chị cũng chạy ngược chạy xuôi hơn chục cây số về xem em trai ăn uống ngủ nghê thế nào. Mãi đến khi sinh thằng cu Đức, chị mới chịu ngồi yên. Khi đó mình lại phải mỗi tuần đến thăm Tấn thay chị.

Mình thân với Tấn tự nhiên như vốn dĩ.

Nhiều khi nhớ Tấn vô cùng.

7g.

Tấn xuất hiện trước sự ngạc nhiên của mình.

"Anh đến xem em đã khỏe chưa, tiện thể đưa cu Đức đi học hộ em luôn".

"Anh đi mười cây số đến đây chỉ đơn giản để làm những việc ấy à?".

"Ừ", Tấn cười rồi bế cu Đức lên, hôn chùn chụt vào đôi má căng mọng của thằng bé. Hai cậu cháu líu tíu hòa vào dòng người mải miết trôi. Lạ thật. Từ ngày phát hiện ra mình nhớ Tấn, mỗi lần khép cửa, lại có cảm giác thêm một người họ Nguyễn sắp bước vào nhà mình, bước vào cuộc đời mình.

"Khi một người luôn nhớ đến một người, đó có phải là yêu không chị?".

Chị dâu nhìn mình cười rất khó hiểu: "Có thể em ạ”.

Bây giờ, nhiều khi mình vẫn băn khoăn tự hỏi: Tại sao chị dâu và lão anh mình lại không yêu nhau nữa? Tại sao họ đòi kết hôn cho bằng được rồi lại đòi ly hôn cho bằng được? Nếu bây giờ bố có sống lại và trông thấy cảnh này, chắc bố cũng chán ngán mà chết thêm lần nữa.

Sự tan vỡ của họ xảy ra từ khi nào nhỉ? Từ khi điện thoại di động của chị dâu có những cuộc gọi mà chị không muốn ai nghe thấy. Từ khi những đêm tình cờ mình bắt gặp chị một mình ở lan can nhắn tin cho ai đó.

"Chị sống với anh em bảy năm mà không biết rõ anh em sao? Ông ấy đâu phải xấu xa".

"Nếu bây giờ nhắm mắt lại, em có nhớ rõ từng chi tiết trong lòng bàn tay em không? Đến bàn tay kè kè bên mình từ bé tới lớn mà mình còn không biết rõ, huống chi là một con người!".

Mình chưa từng gặp người đàn bà nào khiến mình vừa ngưỡng mộ, vừa căm ghét như chị.

12g.

Thở dài. Mình có thói quen thở dài mỗi khi nhớ đến Tấn. Thằng cu Đức đang coi hoạt hình cũng bị tiếng thở dài của mình gây chú ý:

"Sao lại phải thở dài hả cô?".

"Cô không biết, nhưng chắc là thở dài sẽ khiến người ta nhẹ lòng hơn".

"Thế thì cháu cũng thở dài".

Nó nói và làm thật, khiến mình bật cười. Tội nghiệp, từ ngày xa mẹ, nó thành ông cụ non mất rồi. Nhớ hồi chị dâu mới bỏ đi, lão anh mình phải lo cho con. Con Bi khóc, lão bế nó và ru với giọng oang oang như lệnh vỡ: "À ơi... cái Bống là cái Bống bang. Kéo sảy kéo sàng cho mẹ nấu cơm." Thằng cu Đức nhảy chồm lên đùi bố hỏi: "Bố ơi... Cái Bống là cái gì ạ?". Lão anh mình đờ mặt nhìn thằng con bảy tuổi chẳng biết trả lời sao.

"Vì sao tình yêu lại chết hả anh?". Mình không kiềm chế được bức xúc khi nghĩ về vợ chồng lão anh, nên hỏi Tấn. Tấn im lặng, mắt nhìn xa xôi rồi hỏi lại: "Mà em có biết, mỗi ngày trên quả đất có bao nhiêu người yêu nhau và chia ly không?". "Bao nhiêu ạ?". "Không biết. Nhưng dù thế nào thì trái đất vẫn quay đủ 365 ngày quanh mặt trời".

19g.

Mẹ về từ chiều, hỏi đêm qua lão anh mình có về muộn không. Mình không dám nói thật, vì sợ mẹ buồn. Mẹ bảo, lên thăm chị Hoài, gặp một cô bé được lắm. Cô ta mới chuyển đến sống cùng dãy nhà trọ với bọn chị Hoài. "Nó cũng lấy chồng rồi, nhưng phải bỏ vì thằng đó nghiện ngập. Thôi thì rổ rá cạp lại. Cả nó và anh mày đều cần có một gia đình".

Khổ thân mẹ. Từ ngày chị dâu bỏ theo trai, mẹ ức lắm. Mẹ vốn đã ghét chị dâu, ghét lây sang cả Tấn. Mỗi lần Tấn đến thăm, mẹ đều phản ứng ra mặt. Mẹ còn tích cực đi tìm vợ mới cho lão anh mình. Trong một năm mà mẹ đã tìm được tới sáu đám. Nhưng anh mình nào thèm đếm xỉa tới. Lão ấy chán hôn nhân lắm rồi. Có lần lão bảo với mình: "Này em gái, đừng nghĩ tất cả đám đàn bà con gái trên đời này đều lấy chồng mà em nhất định phải lấy đấy nhé. Không phải ràng buộc với ai là sướng nhất".

Mãi đến giờ mình vẫn băn khoăn: sao một người yêu thương và có trách nhiệm với em trai hết mực như chị dâu lại có thể dễ dàng từ bỏ chồng con như thế?

Mình chẳng giận lão anh, có giận cũng chẳng làm được gì? Nhân loại hạnh phúc hay đau khổ đều vì một chữ yêu cả.

22g.

Khuya lắc, Tấn đưa mình về.

Đã mấy năm rồi mình và Tấn cứ đi bên nhau như thế. Hết mùa đông đến mùa hạ, mùa thu, rồi lại mùa đông, chỉ để cùng nhau triết lý vu vơ về cuộc đời.

Mỗi ngày bạn có biết trên đời này có bao nhiêu người chết đi, bao nhiêu em bé mới sinh ra, bao nhiêu người hạnh phúc hay đau khổ không? Có những thống kê, nhưng bao giờ cũng kèm theo chữ "chưa đầy đủ”. Và sẽ chẳng bao giờ đầy đủ.

"Mà này. Anh vẫn muốn biết sao hôm kia em uống rượu đến say như thế?".

Có gì đâu, trái đất vẫn quay, bất luận con người ở trên đó đang làm gì. Hết ngày rồi lại đến đêm, 365 ngày một năm, không thay đổi.

Thơ Văn Công Hùng

PN - Sinh ra ở Huế, nhưng nhận Gia Lai làm quê hương và yêu như máu thịt - Văn Công Hùng là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của Tây Nguyên.

Đã in đến bảy tập thơ nhưng với anh "thơ vẫn là người tình bí ẩn", là "những ngôi sao đỏ cháy thầm bên nhau".

Lê Minh Quốc

Những dòng nước mắt về đâu

Tường vi thì mỏng vào chiều
Em khêu nỗi nhớ theo liêu xiêu gầy
Đã vắt đến kiệt bàn tay
Đã mưa mưa đến tận ngày nước rong
Đã từng khóc đỏ cơn mong
Đã thôi ngọn nến cháy trong đốt ngoài

Người thì đã tận mù khơi
Đã tan xác pháo đã chơi vơi mùa
Người đương bằn bặt sim mua
Người lên mạn bắc bỏ bùa phương nam
Trăm ngàn vạn ước mơ nằm
Những ngôi sao đỏ cháy thầm bên nhau

Những dòng nước mắt về đâu
Về đâu những mối tình đầu vu vơ
Bây giờ nắng lạnh gió hờ
Những người lính trẻ nằm chờ trăng lên...

Sáng nay

Ngày qua cầu rưng rưng cháy gió
Đội rế lên đầu em hóa cô dâu

Lá chanh hong tóc tìm nhau
Bờ ao lập lòe đom đóm

Tượng đá chênh vênh sườn núi
Sao bắt tình yêu phải chết một mình...

Sáng nay hoa đầy phố
Người đàn bà răng đen
Người đàn bà mặc váy
Người đàn bà ôm con
Ngơ ngác
Sáng nay hoa không còn để bán
Sáng nay cười nhiều hơn
Hát nhiều hơn
Sáng nay tiêu tiền không cần đếm
Sáng nay xăng hạ giá năm trăm đồng
Mắt em vẫn đen như là không thể khác
Sáng nay, bấc
Có người tìm mắt bão để tặng nhau

Sáng nay con đường mở nắng
Hoang mang bước về chân mây...

Cao nguyên ngày tôi mới

Cơn gió chảy về đâu?
Lau ngả về phía ấy

Những bông dã quỳ
Ngược lại
Quẫy vàng trời

Dắt tay nhau. lạnh
Bàn chân bấu đất nồng nàn

Không phải cứ bên nhau là xa cách
Nhiều khi chưa gặp đã quen rồi

Thì ráng chiều nào mà chả thế
Nao nức rồi sập xuống phía không đêm
Để lại chân trời vỡ trắng
Ta đi về phương ấy chờ em...

Cao nguyên ngày tôi mới
Một miền thu mưa giăng...

Thản nhiên mây trắng

Tôi xoay một nửa quân cờ
Rượu vang mê mải như giờ đồng lên
Mẹ đau cho tuổi cho tên
Em ban một ngọn gió mềm trong veo

Tôi buông một sợi dây diều
Cỏ xanh khờ dại giữa chiều đồng cô
Chân buồn những bậc nhấp nhô
Một ly vắng một lũng lô mắt người

Tôi làm ra nắng mà cười
Làm say mà nhớ rũ mười kiếp đau
Dùng dằng nào trước nào sau
Nửa thân góc bể nửa màu non cao

Lửng lơ ngược một câu chào
Phập phồng máng cỏ ngôi sao phong tình
Giời đày sáng tuổi chìm tên
U ơ hang đá mà quên chính mình

Sáng ra gặp một vô hình
Thấy vơi cơn gió chùng chình đang rơi
Ù oa một cõi một đời
Thản nhiên mây trắng
Tơi bời và trôi...

Nếu đi hết biển

PN - Đạo diễn Trần Văn Thủy của Chuyện tử tế, Hà Nội trong mắt ai kể lại một câu chuyện đơn sơ nhưng vô cùng cảm động.

Đó là khi đứa cháu hỏi: "Đi hết làng ta thì đến làng nào hả thím?", bà thím nhà quê của ông đã trả lời rành rẽ hết làng này sẽ đến làng kia, hết làng kia sẽ gặp làng nọ, đến ngôi làng cuối cùng sẽ gặp biển. "Thế đi hết biển thì đến đâu hả thím?". Bà trả lời buồn bã: "Đi hết biển đến đâu thì thím không biết...". Khi lớn lên, đã đi nhiều nơi trên thế giới, qua nhiều xứ sở văn minh nhưng xa lạ, một ngày kia, ông bỗng nhận ra câu trả lời: ..."Bây giờ cháu đã biết rồi thím ạ! Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, về làng mình!".

Về làng mình!

Chỉ gọn ghẽ vài từ thế thôi mà sao ta phải đi hết cả cuộc đời mới hay, mới biết. Cũng như tôi, đi gần hết cuộc đời mới biết có làng để về, để gặp. Chuyện tưởng như ai cũng có thể mà đâu phải vậy! Tôi là kẻ chẳng có làng mà về, mỗi cuối năm, mỗi lần Tết đến. Nhưng "về" là khái niệm tượng trưng. Người có quê cứ về quê, kẻ không có quê sẽ về kiểu của mình.

Mỗi năm, tôi đều quay trở lại xóm cũ thời thơ ấu. Một xứ đạo như mọi xứ đạo vùng ngã ba Ông Tạ. "Từ Thức về làng" chính là trường hợp của tôi khi đi lại trên những đường ngang ngõ tắt vốn đã thuộc như lòng bàn tay. Đi và nhớ lại từng gương mặt bạn bè, từng bãi ruộng, bờ ao. Đi và đứng tần ngần trước cửa một ngôi nhà nào đó rồi rụt rè hỏi "T. còn ở đây không?". Mười lần hỏi, đủ mười lần gặp câu trả lời "Không biết ai tên ấy...". Giật mình nhớ ra khi ta quay về xóm cũ, thời gian đã là ...nửa thế kỷ mất rồi. Nửa thế kỷ nghĩa là gần hết một đời người, hỏi sao mọi thứ không thay đổi. Thế mà năm nào cũng về và năm nào cũng quên mất điều bình thường ấy. Ruộng rau muống, nơi lũ trẻ trong ấy có mình ngày xưa thường thả diều nay đã là những khu phố mới. "Thương hải biến vi tang điền..." lâu rồi mà ký ức chưa chịu quên. Lại trở về ngôi nhà cũ của mình, nay vẫn là quán cà phê, như cái quán cà phê xưa của mẹ. Vào và ngồi yên lặng, hỏi thăm chủ quán có biết người chủ ngày xưa ở đây. Vẫn gặp cái lắc đầu vì ngôi nhà này đã qua mấy đời chủ, ai biết được người chủ ban đầu, ai biết được thằng nhóc 10 tuổi bây giờ đã là người đàn ông trên 50 tuổi ngồi đây hỏi chuyện... Chẳng ai biết.

Tôi không sinh ra ở làng, tôi lớn lên ở đây, ngay tại Sài Gòn. Hơn 50 năm có đi đâu, lưu lạc nơi nào thì cũng vẫn cứ ngay trong Sài Gòn, nghĩa là như chẳng đi đâu hết, để có thể chứng kiến bao đổi thay, biến động của mảnh đất này. Mỗi năm, có về, cũng là để tìm lại tuổi thơ đã mất, tìm lại những gương mặt từng lê la ao ruộng bắn chim, tát cá, thả diều với mình. Giờ có người định cư nước ngoài, có kẻ đã ngồi trên tủ thờ vì chiến tranh tao loạn... Nghĩ mình như thế vẫn may, vẫn sống, vẫn như loanh quanh một đời nơi đã sinh ra, đã lớn lên, đã sống. Không phải làng mà như về làng. Ký ức vẫn nguyên vẹn, sống động. Thích thú, pha chút muộn phiền. Cái nhớ nhung nào mà không gây bồi hồi? Đêm qua, một email gửi về từ xứ người xa xôi hỏi: "Anh có phải con bà... ở xóm ...nhà có cây vú sữa trong sân cạnh nhà ông...". Thế là biết ngay gặp lại một người quen xóm cũ sau 40 năm thất lạc. Email hỏi xóm cũ thế nào? Ai còn ai mất? Thì bài viết này thay câu trả lời. Anh cứ về mà đi như tôi, sẽ thấy mình thành Từ Thức về làng ngay thôi.

Nếu đi hết biển...

Tôi cũng đã đi, thoạt đầu đi từ nơi tuổi nhỏ của mình như qua làng khác. Từ đó phiêu dạt đi nữa, đi mãi cho đến ngày kia, thấy mình đã ở bên kia Đại Tây Dương, thấy dấu giày của mình in trên hè phố xứ người... Vậy là ta đã đi hết biển, đã băng qua đại dương mênh mông hơn nửa vòng trái đất. Hết biển rồi, hết đại dương rồi thì gặp gì? Gặp lại lòng mình. Và ta lại về, và ta (quả thật) gặp lại làng trong nỗi nhớ nhung từ ngọn gió se lạnh, từ cái nắng vàng hanh, từ tiếng lích chích của con chim sẻ trên mái phố buổi chiều đầy gió...

Nếu đi hết biển...

Tôi sẽ gặp con ngõ ngày xưa mẹ thường ngồi với gánh chè xôi cho lũ trẻ dưới chân cột đèn. Con ngõ còn đó, cột đèn còn đó, chỉ mẹ vắng lâu rồi. Mẹ à! Con thường đến đấy mỗi cuối năm khi Sài Gòn tản gió, đến ngồi im lặng bên vỉa hè, và khi đứng lên, con thường cắm xuống chân cột đèn một nén nhang thơm cho mẹ.

Con đã đi hết biển... Con đã về "làng"... Về làng con lại gặp mẹ.

A! Nếu đi hết biển thì con gặp mẹ!

Đơn giản thế là cùng...

Giấc mơ cổ tích

PN - Lần đầu tiên, hình ảnh trẻ ăn xin do bọn chăn dắt tổ chức và bảo kê được thể hiện khá thực tế trong bộ phim truyền hình Giấc mơ cổ tích (đạo diễn: Minh Quang, Công ty Lasta sản xuất).

Bắt đầu từ hai đứa trẻ lưu lạc bị bán vào đường dây chăn dắt trẻ em ăn xin, Giấc mơ cổ tích mở ra câu chuyện dài về những số phận con người, gắn chặt với những giấc mơ về một ngày mai tươi sáng. Nếu như ai đó mơ được giàu sang để khỏi chân lấm tay bùn, mơ được sống trong một gia đình êm ấm... thì Khang, một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi lại luôn khát khao cháy bỏng được trở về với gia đình nghèo khó của mình. Mới học lớp 3, Khang đã vì bố mẹ dẫn đứa em trai 5 tuổi lên Sài Gòn mưu sinh. Bị gạt phải đi ăn xin mang tiền về cho bọn đầu gấu, hai anh em tìm mọi cách bỏ trốn nhưng cuối cùng chỉ mình Trọng – em trai Khang tìm được bố mẹ, còn Khang lại tiếp tục lưu lạc kiếm sống bằng đủ nghề của trẻ đường phố.

Diễn viên Nguyệt Ánh và Huỳnh Đông trong phim Giấc mơ cổ tích

Bao nhiêu năm xa cách, cậu em trai trở thành một công tử con nhà giàu, hào hoa, cuốn hút nhưng trầm tính, ít nói. Khang lại cá tính, rắn rỏi, bộc trực. Hai con người ấy, hai tính cách ấy đã không thể hòa hợp và khoảng cách vô hình khiến họ không thể nhận ra nhau. Những va chạm trong công việc, sự nhập nhằng giữa những tình cảm rắc rối đan xen, Khang – Trọng chưa kịp nhận ra nhau thì đã phải đối nghịch nhau vì tình yêu dành cho một người con gái...

Xuyên suốt trong 40 tập phim, giấc mơ về một mái nhà sum vầy là sợi dây liên kết duy nhất giữa các nhân vật. Với nhóm trẻ ăn xin ngày xưa, tuy ly tán mỗi người một phương, nhưng chính giấc mơ về một ngày mai đoàn tụ là điểm tựa để họ đứng vững trong cuộc đời. Và không chỉ riêng họ, mà tất cả nhân vật trong phim, người giàu kẻ nghèo đều mang trong lòng một giấc mơ cổ tích về một đoạn kết có hậu cho cuộc đời mình.

Giấc mơ cổ tích có sự tham gia của các diễn viên: Nguyệt Ánh, Huỳnh Đông, Hoàng Anh, Quỳnh Anh, Kha Ly, Hoài An, Thanh Nam, Vân Anh... Phim đang được phát sóng trên HTV7 vào lúc 20g45 các ngày từ thứ năm đến chủ nhật hàng tuần.

Điện ảnh Việt 2009 vượt truyền hình

Trong khi điện ảnh như cô Tấm lột xác khoác váy mới khoe sắc tại các liên hoan phim, thì người chị em của nó - truyền hình - lười nhác mặc lại những bộ cánh cũ từ mùa trước.


Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận giải Bông sen vàng cho phim "Đừng đốt".
Ảnh: VnExpress

2009 là năm xuất hiện hàng loạt tác phẩm điện ảnh có giá trị cao. Các nhà làm phim đã dung hòa được cả hai yếu tố nghệ thuật và giải trí với những thước phim đẹp, âm nhạc tinh tế hỗ trợ nội dung.

Ở dòng nghệ thuật được xem là kén khán giả, Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng, Đừng đốt gây được chú ý không chỉ ở các liên hoan mà còn trụ ở phòng vé 2-3 tuần, điều mà trước đây ít phim làm được. Ba tác phẩm - ba vấn đề - ba thời điểm nhưng đều có cách thể hiện tinh tế, tính biểu tượng cao, chạm vào được cảm xúc của khán giả, không quá khó hiểu và cứng nhắc.

Phim giải trí chú trọng khai thác tối đa yếu tố thị hiếu khán giả nhưng không bị sượng, thể loại phong phú hơn, không xào mãi món cũ là hài. Bẫy rồng với sự xuất hiện của cặp diễn viên hot Johnny Trí Nguyễn - Ngô Thanh Vân đã xóa đi những ác cảm của người xem về việc phim hành động Việt Nam làm chưa tới. Trong khi đó, Khi yêu đừng quay đầu lại, dưới bàn tay của Nguyễn Võ Nghiêm Minh lại là một thế giới liêu trai mang màu sắc huyền bí, lãng mạn, không rùng rợn như Mười hay Chết lúc nửa đêm. Những nụ hôn rực rỡ của Quang Dũng là sự theo mốt kịp thời của dòng phim ca nhạc. Dũng “Khùng” bỏ lại bộ phim hài Nhật ký Bạch Tuyết mà anh làm biên kịch cho Lê Bảo Trung đạo diễn để chứng tỏ sự nhạy bén và có chút liều lĩnh của mình. Thể loại hành động, ca nhạc, liêu trai quá quen thuộc trên thế giới nhưng ở Việt Nam vẫn là sự “cũ người mới ta”, đem đến cho khán giả nhiều lựa chọn.


Hồng Ánh nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc cho vai diễn trong
"Trăng nơi đáy giếng" tại liên hoan phim Cánh diều vàng. Ảnh: VnExpress

Hàng loạt tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao trong cả hai năm 2008-2009, đã hội ngộ xôm tụ tại giải Cánh diều vàng và liên hoan Bông sen vàng được tổ chức năm nay. Cánh diều vàng là sự đua tranh của Huyền thoại bất tử, Trăng nơi đáy giếng, Chuyện tình xa xứ, Đẹp từng centimet, Giải cứu thần chết. Chung cuộc, hai đại diện của dòng nghệ thuật là Huyền thoại bất tử, Trăng nơi đáy giếng chung nhau Cánh diều bạc, dòng giải trí nhận giải khuyến khích cho Chuyện tình xa xứ. Trong khi đó, ở Bông sen vàng, dòng nghệ thuật càng áp đảo hơn với cả số lượng tham gia lẫn giải thưởng quan trọng giành được. Đừng đốt giành Bông sen vàng và Giải thưởng báo chí. Bông sen bạc thuộc về Trăng nơi đáy giếngRừng đen. Bằng khen của BGK được trao cho Trái tim bé bỏng, Huyền thoại bất tử. Bùi Thạc Chuyên được vinh danh là Đạo diễn xuất sắc với Chơi vơi. Phim giải trí an ủi với Giải thưởng do khán giả bầu chọn cho 14 ngày phép.

Điều cả khán giả lẫn các nhà làm phim, nhà phê bình điện ảnh đều hân hoan là sự khẳng định mình của điện ảnh Việt Nam tại một loạt liên hoan phim quốc tế. Với Chơi vơi, lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện ở ngày hội điện ảnh quốc tế lâu đời nhất thế giới như Venice và giành được giải thưởng của Liên đoàn các nhà phê bình phim quốc tế (FIPRESCI). Bộ phim này đã chu du qua các liên hoan phim như Toronto, Vancouver, London, Bangkok, Pusan, nhận được những đánh giá rất cao, có những suất chiếu hàng nghìn người. Hồng Ánh với vai diễn trong Trăng nơi đáy giếng giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc LHP Dubai. Bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh dựa theo cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch chọn làm phim đại diện Việt Nam tham gia tranh giải Oscar của Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ 2010. Đừng đốt từng đoạt giải thưởng duy nhất tại Liên hoan phim Fukuoka tại Nhật Bản, lấy nhiều nước mắt người xem và được mời tham gia trình chiếu trong chương trình Cửa sổ châu Á của Liên hoan phim Pusan Hàn Quốc. Phim cũng được chiếu tại 14 trường đại học của Mỹ. Theo báo Thể Thao Văn Hóa, Giáo sư Bruno Bosacchi, giảng viên Đại học danh tiếng Princeton University, có nhận xét: “Đừng đốt là bộ phim hay nhất về chiến tranh Việt Nam mà tôi từng được xem”.

Phim truyền hình bị Hàn hóa và chưa chuyên nghiệp

Nở rộ phim Việt trên giờ vàng: Lập trình cho trái tim, Xin lỗi tình yêu, Có lẽ nào ta yêu nhau, Cô nàng bất đắc dĩ, Ngôi nhà hạnh phúc… nhưng nhiều phim trong số đó chưa hấp dẫn và bị đánh giá là chưa xứng với giờ vàng. Có lẽ nào ta yêu nhau được khán giả đặt cho cái tên hài hước Có lẽ nào tắt ti viXin lỗi tình yêu theo khán giả nên sửa thành Xin lỗi người xem. Các phim tập trung vào đề tài cuộc sống, tình yêu của một bộ phận thanh niên giàu có, không đa dạng và có tính chất phản ánh, cảnh tỉnh như Chạy án, Ma làng từng gây sốt năm 2008.


Lương Mạnh Hải bị chê về diễn xuất khi vào vai anh chàng lắm điều trong
"Ngôi nhà hạnh phúc". Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.

Việc tiếp tục Việt hóa các kịch bản nổi tiếng nước ngoài: Cô nàng bất đắc dĩ (từ kịch bản Lalola - Argentina), Ngôi nhà hạnh phúc (Full house - Hàn Quốc), Có lẽ nào ta yêu nhau (Anh em sinh đôi - Hàn Quốc) cũng chưa thành công, nhiều yếu tố gượng ép, không thuyết phục được khán giả và vấp phải nhiều sự chê bai của công chúng. Trong khi đó, Những người độc thân vui vẻ Việt hoá từ kịch bản Trung Quốc từng được nhà đài công bố sẽ kéo dài trong 2 năm với khoảng 500 tập đã phải ngừng ở tập 171. Theo nhà văn Phạm Ngọc Tiến, biên tập chính của phim, đây là sự dừng lại tất yếu khi chất lượng bộ phim đi xuống, thất bại trong việc đem tiếng cười của người khác thành của mình và nhất là thất bại về uy tín và danh dự nghề nghiệp.

Những bộ phim hoàn toàn “made in Việt Nam” như Lập trình cho trái tim, Xin lỗi tình yêu không vay mượn kịch bản nhưng vẫn đậm hơi hướng Hàn Quốc từ cách xây dựng tình huống, lựa chọn diễn viên trẻ đẹp, cách thực hiện cảnh quay. Chính vì thế, những phim “vàng” này tỏ ra yếu thế trước các phim Hàn chính gốc không chiếu giờ vàng như Vườn sao băng, Phía đông vườn địa đàng, Nàng Hwangjini.

Quy trình sản xuất những bộ phim truyền hình cũng cho thấy tính không chuyên nghiệp. Với quan niệm lựa chọn người đep, nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực vào phim để tạo sức hút cả về mặt truyền thông lẫn khán giả, êkíp Trần Thủ Độ đã gặp một phen lao đao khi Á hậu Dương Trương Thiên Lý từ vai. Diễn viên chính cho rằng phim có nhiều cảnh nhạy cảm ảnh hưởng đến hình ảnh của cô, trong khi thành viên đoàn làm phim lại cho biết cô không có khả năng đảm nhận vai. Cô nàng bất đắc dĩ cũng gặp nhiều rắc rối khi “thay ngựa giữa đường”. Đạo diễn Hồng Ngân nói, chị bỏ vai trò đạo diễn ở tập 20 vì bị xúc phạm trong khi phía Công ty Kiết Tường, đơn vị đầu tư, cho rằng đây là hợp đồng dịch vụ nên có quyền ngưng hợp đồng "theo yêu cầu của phim truyện" và vì lý do khách quan. Hai bên đưa nhau ra tòa để giải quyết tranh chấp. Trước đó, bộ phim này cũng gây ra lùm xùm quanh việc một diễn viên trong đoàn kiện đạo diễn vì bị ngừng vai.

Không chỉ nhiều tồn tại về nội dung, cách thực hiện, phim truyền hình còn bị khán giả phàn nàn về việc thời lượng quảng cáo dài ngang thời lượng phim. Phim bị cắt vụn bởi quảng cáo dẫn đến mạch cảm xúc bị ngắt quãng, gây khó chịu cho người xem.