Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Chờ đợi "Vọng khúc ngàn năm" từ đất Thăng Long

PN - Vọng khúc ngàn năm là dự án phim ca nhạc dài bốn tập, giới thiệu 48 tác phẩm âm nhạc chọn lọc về vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Không phải là video clip nhạc, cũng không đơn thuần là phim tài liệu về âm nhạc - dự án "không dễ làm" này được giao cho đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy.

Ký hợp đồng từ tháng 6, đến tháng 11 bấm máy, thời điểm này mới ghi hình xong 12 tác phẩm nhạc không lời (do dàn nhạc Dân tộc thể hiện), đạo diễn Trần Văn Thủy kể: "Theo kế hoạch thì Tết Canh Dần phải xong phim. Nhưng với tiến độ hiện tại, thì khó có thể kịp".

Vào cuộc, đạo diễn Trần Văn Thủy mời thêm người bạn thân - đạo diễn Nguyễn Sĩ Chung, lập ê kíp thực hiện. Phần chọn tác phẩm đã có cố vấn Đặng Hoành Loan và các cộng sự trong giới nghiên cứu âm nhạc. Ba địa điểm được chọn làm trường quay chính của phim là Thiên đường Bảo Sơn, Bảo tàng Dân tộc học và Đền Gióng (làng Phù Đổng). Ngoài ba bối cảnh này, để bộ phim mới và lạ, đạo diễn Trần Văn Thủy cho biết, sau khi hoàn tất phần ghi hình nghệ sĩ và dàn nhạc biểu diễn, ông và các cộng sự sẽ cất công đi quay ngoại cảnh, lục tìm trong kho tư liệu của cá nhân và của Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương những hình ảnh tương đồng nhưng chưa được khai thác nhiều để ghép vào phim.

Là phim làm cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, 48 tác phẩm được chọn ngoài sự chuẩn mực về nghệ thuật còn phải khiến người xem, người nghe thấy được bóng dáng lịch sử và văn hóa Thăng Long, với chiều dài 1.000 năm. Việc chọn tác phẩm đã xong nhưng cơ cấu mỗi tập phim ra sao thì vẫn là vấn đề chưa được thống nhất. Theo đạo diễn Trần Văn Thủy, nếu một tập phim có tới 12 tác phẩm không lời sẽ gây cảm giác nặng nề, khiến người nghe khó "tiêu hóa". Nhưng nếu dựng xen kẽ giữa tác phẩm không lời và có lời thì phải cơ cấu ra sao để cả giới chuyên môn và khán giả bình dân đều chấp nhận được. Lời bình, cảm xúc của nghệ sĩ về tác phẩm sẽ được "xen" vào phần nhạc dạo. Đạo diễn Trần Văn Thủy tạm đặt tên cho dự án phim là Vọng khúc ngàn năm.

Trong số 12 tác phẩm nhạc không lời đã được ghi hình, bản nhạc Ông Gióng của nhạc sĩ Xuân Khoát và bản Tiếng vọng của một nhạc sĩ trẻ của Hà Nội được giới nghiên cứu âm nhạc đánh giá cao về tính chuẩn mực nghệ thuật cũng như sự hoành tráng của tác phẩm. Tuy nhiên, việc có làm tiếp hai tập cuối của bộ phim này hay không còn phải đợi chất lượng của hai tập đầu. Nếu không ưng, đạo diễn Trần Văn Thủy cho biết: "Sẽ chấm dứt dự án, dành cơ hội cho những người có khả năng hơn".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét