Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Nhạc sĩ - Thiếu tướng An Thuyên: "Đến với người lính, sẽ có tác phẩm hay"

PN - Những khúc tình ca của nhạc sĩ (NS) An Thuyên đầy hương vị ngọt ngào và lãng mạn, đã đi vào lòng người nhiều thế hệ.

Ông còn viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều Đoàn Văn công như: Trương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng; khí nhạc, đáng chú ý có Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng... Các giải thưởng mà ông đã đạt được như: giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985: Tiếng đàn balalaica trên sông Đà; giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng: Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994); giải Nhất của Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Khi xe tăng qua miền Quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995)... Đằng sau binh nghiệp và những tác phẩm âm nhạc là những yêu thương và trăn trở đầy tâm huyết của một vị tướng. Ông đã chia sẻ những tâm tình của mình với PNCN vào một chiều cuối năm bận rộn...

* Mấy thập kỷ gắn bó với quân đội, với việc đào tạo các giọng ca của Trường Nghệ thuật Quân đội, ông còn nhớ kỷ niệm đặc biệt nào về những học trò của mình?

- Nhiều lắm, không kể hết được. Cực nhọc, gian nan, vui nhiều, buồn lắm, ngọt ngào và cay đắng chẳng ít. Từ một trường rất bé nhỏ trở thành một trường đại học có uy tín, mấy trăm cán bộ, giáo viên được lao động sáng tạo, cống hiến, mấy nghìn học sinh được học hành, có nghề nghiệp, ra đời có công ăn việc làm vững chắc. Trong số họ, có cả một thế hệ nhanh chóng trở thành những tài năng nghệ thuật, góp phần làm mới mẻ nền nghệ thuật đương đại nước nhà. Tôi quên sao được những gương mặt của các chiến sĩ mang những gian nan, lam lũ của đời sống quân ngũ về với mái trường. Càng không thể quên được hàng nghìn con em đến từ vùng dân tộc ít người, vùng sâu vùng xa nghèo khó, được quân đội gọi về nuôi dưỡng và đào tạo. Họ đang, sẽ trở thành những "hạt giống đỏ” của nền nghệ thuật.

* Nhìn lại con đường đã qua, điều gì làm cho ông hài lòng nhất về bản thân và điều gì ông mong muốn được làm lại?

- Tôi hài lòng với cuộc sống của tôi, của gia đình tôi. Tôi biết ơn tất cả. Nếu được làm lại, tôi sẽ tiếp tục con đường đã chọn. Tôi sống với tôn chỉ riêng của mình: yêu con người, vì con người và tin con người. Nhưng nếu được làm lại, tôi nghĩ, có lẽ mình phải biết tin con người đúng hơn, sáng suốt hơn. Bởi thú thật, thỉnh thoảng tôi cũng bị những người mà mình dành hết sự tin tưởng "đá hậu". Âu cũng là mặt trái của cuộc sống...

* Môi trường quân đội đã tác động đến cuộc sống của ông như thế nào? Vì sao ông quyết định gắn bó đời mình với binh nghiệp?

- Gia đình tôi cả bốn người đều mang quân phục. Chuyện gắn bó đời mình trong quân ngũ có lẽ là số mệnh chăng? Ngày tôi vừa sinh ra (15/8/1949) đã nghe tiếng súng đạn, đầu đời đã có sự nuôi dưỡng của làng xóm quê hương và cả sự hy sinh xương máu của những người lính. Tôi theo quân đội có lẽ là điều đã được định trước...


Gia đình nhạc sĩ An Thuyên - Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Một gia đình toàn nghệ sĩ với cha là NS An Thuyên, con trai là NS An Hiếu, con gái là ca sĩ Bông Mai, có gì đặc biệt so với những gia đình khác, thưa ông?

- Người có công lớn nhất đó là "bà xã”, đạo diễn sân khấu, nguyên chủ nhiệm khoa Sân khấu - Điện ảnh và viết văn trường Đại học VHNT QĐ. Đó là người đàn bà biết lùi, hy sinh cho chồng con tiến tới. Hai đứa con đã trưởng thành có nghề nghiệp ổn định. Hiện Hiếu đi nghiên cứu sinh ở Trung Quốc, Mai đang học đại học ngành đạo diễn điện ảnh. Cuộc đời còn nhiều chông gai, nhiều thử thách mà các cháu phải tự thân "chiến đấu", có vấp ngã thì tự đứng dậy tiếp tục đi tới. Tôi muốn cuộc đời mình là tấm gương cho các con trong lao động và tư cách sống. Tôi chỉ dặn các con phải biết yêu cuộc sống và biết yêu thương con người.

* Quyết định chuyển từ Nghệ An lên Hà Nội, hẳn gia đình ông gặp không ít khó khăn?

- Mọi sự chuyển đổi đều có cái giá của nó. Gia đình tôi từ Nghệ An ra Hà Nội cực nhất là nghèo, quá nghèo nên rất khổ. Thời đó dân gian có câu "năm 80, gạo 80, dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ". Ra Hà Nội trong thời điểm đó, gia đình tôi không đồng vốn liếng, không họ hàng thân thích. Kiếm cho mình ít "chữ" cũng đâu dễ dàng, "khổ tận cam lai...". Xa quê, tôi yêu quê hơn, hiểu văn hóa xứ Nghệ hơn, lại gặp được văn hóa Bắc Hà, hai cái "lộc" lớn của cha ông đã cho tôi được chút ít, làm nên cái tên An Thuyên. Ở tuổi 60, tôi vẫn hăng say lao động, mong được trả nghĩa nhiều hơn cho cuộc đời.

* Chuyện tình yêu của ông bà cho tôi được tò mò. Người lính yêu có lãng mạn hay... khô như ngói ạ?

- Tôi mệnh hỏa, nhưng lại yêu nước, lý trí và tình cảm, nóng nảy và ướt át, cứng rắn và mềm yếu... hai mặt đối lập cứ bện chặt vào cuộc đời tôi, làm nên nhân cách tôi. Tôi nhìn phụ nữ phức tạp, nhưng chả có người phụ nữ nào xấu cả. Bởi tất cả họ đã làm nên âm nhạc của tôi. Nghe âm nhạc của tôi chắc các bạn sẽ không chê tôi "khô như ngói"...

* Nhiều ca khúc của ông được người yêu nhạc nồng nhiệt đón nhận, Ca dao em và tôi là một trong số đó. Xin ông chia sẻ hoàn cảnh sáng tác và những kỷ niệm liên quan đến ca khúc này?

- Bài hát này tôi viết năm 1997 từ bài hát chính của nhân vật Trương Chi trong nhạc kịch cùng tên (tôi viết vở này năm 1988 cho Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng). Trương Chi nhà nghèo chỉ có tiếng hát, đem lòng mê si Mỵ Nương cung vàng điện ngọc, gặp nhau rồi vỡ mộng. Làm gì có tình yêu khi người ta cứ viển vông với những điều không có thật. Chàng đau đớn thất vọng vô bờ, cất tiếng hát gửi lại cuộc đời rồi nhảy xuống dòng sông quê tìm cái chết. Thế mới có câu hát "cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ, chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng, đưa tôi về với người tôi yêu"... Tôi như người sống tiếp đoạn sau của Trương Chi, làm theo lời dặn: hãy sống với những gì có thật chung quanh mình, cùng đắng cay, buồn vui, hạnh phúc, đừng ảo huyền xa xôi, dù cái có thật có nhỏ nhoi đến đâu cũng đáng sống...

* Hiện có nhiều ca khúc nhạc "nhái", ca từ hời hợt, giai điệu dễ dãi. Theo ông, tại sao những sản phẩm như vậy lại xuất hiện quá nhiều, thậm chí còn được nhiều bạn trẻ yêu thích?

- Đấy là mặt trái của sự phát triển xã hội, mặt trái của sự làm ăn theo cơ chế thị trường. Rác thải, cặn bã ô nhiễm môi trường sống và môi trường văn hóa nhiều vô kể, đó là những nguy cơ lớn. Nhưng phải biết chấp nhận, bình tĩnh và cả xã hội đều tìm cách thải loại những gì chưa tương xứng với văn hóa VN. Mỗi con người đều khát khao đổi mới đất nước giàu đẹp, thì những thứ rác rưởi sẽ bị dẹp tan. Nền âm nhạc của chúng ta trong thời kỳ "trở dạ”, đang có những chuyển biến tích cực.

* Gần đây ít có những ca khúc về hình tượng người lính thời bình, những người lính ở Trường Sa đang ngày đêm canh giữ Tổ quốc, điều này có làm ông băn khoăn?

- Người lính Cụ Hồ là hình tượng cao đẹp như một xác lập văn hóa trong lẽ sống con người. Nhiều năm qua, người lính là nhân vật trung tâm của xã hội. Hòa bình rồi, ta xây dựng đất nước, người lính không còn là nhân vật trung tâm ư? Có vẻ như thế trong một quan niệm nào đó đang tồn tại, cần phải được trao đổi thêm. Hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay là: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, người làm kinh tế với người lính có vị trí quan trọng như nhau trong hòa bình. Người lính trong hòa bình vẫn còn nguyên vẹn sự hy sinh, gian khổ như trong chiến tranh. Họ đang chiến đấu, hy sinh quên mình để chiến tranh không xâm phạm đất nước, để hòa bình vững chắc. Hơn nữa, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn còn nguyên vẹn tính mới mẻ và hấp dẫn người sáng tạo nghệ thuật khi những hình tượng anh hùng, những con người, mảnh đất anh hùng giữ nước vẫn còn sống mãi. Tôi nghĩ, đề tài về người lính trong âm nhạc bây giờ phong phú và đa dạng hơn nhiều đấy chứ! Đó vẫn là mảnh đất màu mỡ cho những sáng tạo. Hãy đến với người lính, yêu người lính hơn, ta sẽ có nhiều tác phẩm hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét