Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Đồ chơi ngoài luồng tràn ngập

Theo quy định của Bộ Khoa học - Công nghệ, từ hôm qua (15-4), đồ chơi trẻ em có dấu hợp chuẩn mới được bán. Tuy nhiên, thực tế thị trường hoàn toàn trái ngược.

Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) ban hành, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước hay nhập khẩu chỉ được bán trên thị trường khi đã được gắn dấu hợp chuẩn chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn như độ pH, hàm lượng độc tố formaldehyt...

Tràn ngập đồ chơi dỏm

Tuy nhiên, sáng 15-4, khảo sát một lượt các chợ sỉ và lẻ, cửa hàng đồ chơi trẻ em trên địa bàn TPHCM, chúng tôi tìm đỏ mắt cũng không thấy món đồ chơi nào được gắn dấu hợp chuẩn.

Tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em bên hông chợ Bình Tây, la liệt đồ chơi trẻ em từ robot, siêu nhân, búp bê, đao, kiếm, hạt màu (ngâm nước nở ra rất to), xe điều khiển, bộ ghép hình, máy bay, súng bắn laser... “made in China” đủ kích cỡ, kiểu dáng.

Giá bán thì “thượng vàng hạ cám”, từ vài ngàn đồng/món như đao, kiếm, robot nhỏ đến 30.000 - trên 100.000 đồng/món như súng bắn laser, xe điều khiển từ xa, đồ chơi chạy bằng pin có phát nhạc, bộ siêu nhân, robot tháo lắp được... Tất cả những món đồ chơi này đều không có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng hoặc khuyến cáo cần thiết cho trẻ em bằng tiếng Việt mà chỉ có nhãn bằng tiếng Hoa in trên bao bì sản phẩm.

Đồ chơi trẻ em chưa có nhãn hợp chuẩn được bán tại một nhà sách ở quận 1
- TPHCM. Ảnh: NLĐ

Những loại đồ chơi mini, đựng trong bịch ni lông thì không có dòng nhãn mác nào. Tại một số chợ nhỏ, đồ chơi là đồ dùng làm bếp, trái cây, thau rổ... mi ni làm bằng nhựa xấu, đổ đống bán xá (5.000 đồng - 10.000 đồng/100 g ) và các loại xe điều khiển, robot, siêu nhân, thú nhồi bông... giá chỉ 10.000 đồng – 35.000 đồng/món.

Chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh đồ chơi trẻ em cho biết phần lớn đồ chơi trẻ em là hàng nhập lậu. Đồ chơi nhập khẩu của các hãng có tên tuổi rất ít.

Người bán không hay biết

Ghé một cửa hàng đồ chơi trẻ em bên hông chợ Bình Tây hỏi mua đồ chơi an toàn, được chứng nhận hợp chuẩn, người bán hàng ngơ ngác: “Đồ chơi hợp chuẩn là gì, tụi tôi chưa nghe nói bao giờ”.

Tại TP Đà Nẵng, từ chợ Hàn, đến chợ Cồn... ở đâu cũng bắt gặp đồ chơi trẻ em không có dấu hợp chuẩn. Hầu hết đồ chơi trẻ em được bày bán đều không có nhãn mác, chỉ có mảnh giấy trắng với dòng chữ “Made in China” dán trên đồ chơi.

Khi nghe hỏi về quy định của Bộ KH-CN về đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước và nhập khẩu đều phải có dán nhãn mác hợp chuẩn kể từ ngày 15-4 mới được bày bán, một chủ quày bán đồ chơi trẻ em ở chợ Hàn tỏ vẻ ngạc nhiên vì không hề hay biết gì.

Trên một số tuyến phố bán đồ chơi nhiều nhất Hà Nội như: Lương Văn Can, Hàng Mã... hàng trăm loại đồ chơi với đủ chủng loại, kiểu dáng khác nhau được bày bán nhưng chưa có bất kỳ “món” nào được dán tem hợp chuẩn.

Bà Minh, chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm), cho biết từ đầu tháng 4-2010, những người kinh doanh mặt hàng đồ chơi ở tuyến phố này đã nghe thông tin về việc phải dán tem đối với tất cả các sản phẩm đồ chơi. Tuy nhiên, đợt nhập hàng gần đây nhất vào cuối tuần qua cũng chưa thấy có loại đồ chơi nào có tem dán.

Nếu có dán tem chắc cũng phải còn lâu... Bà Minh cho biết phần lớn đồ chơi trẻ em trên thị trường hiện nay đều là nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc. Vì thế việc dán tem hay không là do những người đánh hàng từ biên giới, chứ tiểu thương ở đây chỉ mua lại để bán.

Trong khi đó, đại diện Công ty Đồ chơi trí tuệ Veesano (Hà Nội) cho biết có biết thông tin về quy định đồ chơi trẻ em phải có chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên doanh nghiệp (DN) cũng chưa rõ phải thực hiện như thế nào...

Cơ quan chức năng: Chưa biết và... chờ

Đem thắc mắc hỏi ban quản lý chợ Bình Tây, chúng tôi được biết không chỉ tiểu thương mà cả ban quản lý chợ cũng chưa nghe thông tin gì về tem hợp chuẩn đối với đồ chơi.

Không chỉ người bán, ban quản lý chợ mà ngay cả lực lượng QLTT cũng khá xa lạ với quy chuẩn mới về đồ chơi trẻ em. Một cán bộ QLTT TPHCM cho biết, chưa nghe nói về đồ chơi trẻ em phải có dấu, có nhãn hợp quy.

Nếu có quy chuẩn này, QLTT sẽ triển khai kiểm tra. Hiện đa số đồ chơi trẻ em bán trên thị trường là hàng Trung Quốc, QLTT đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt nhưng chỉ với hình thức kinh doanh đồ chơi trẻ em không có hóa đơn chứng từ.

Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Đà Nẵng, cho biết đến thời điểm này chi cục chưa nhận được văn bản hướng dẫn về việc xử lý đồ chơi trẻ em mà Bộ KH-CN quy định nên chi cục chưa thể kiểm tra vấn đề này.

Theo ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Khu vực 3, đã có một số DN trong nước, nhập khẩu mang mẫu đồ chơi trẻ em đến Trung tâm 3 để kiểm nghiệm và chứng nhận hợp chuẩn.

Mặc dù vậy, do trước đây Bộ KH-CN chỉ khuyến khích DN đạt chứng nhận gắn dấu hợp chuẩn lên sản phẩm nên DN chưa tự giác. Cũng vì lý do này, hiện chưa có sản phẩm đồ chơi trẻ em nào trên thị trường có dấu hợp chuẩn.

Doanh nghiệp tự gắn dấu

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH-CN), cho biết hướng dẫn về việc dán nhãn hợp chuẩn cho đồ chơi đã được gửi tới các tổ chức, các cơ sở sản xuất lớn cách đây vài tháng.

Việc dán tem hợp chuẩn cho đồ chơi cũng tương tự dán tem hợp quy cho mũ bảo hiểm, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng ban hành mẫu dấu hợp quy, các nhà sản xuất nào được công nhận đạt chất lượng sẽ tự dán nhãn hợp chuẩn lên đồ chơi.

Nếu đồ chơi lớn thì dán lên trên đồ chơi, còn loại nhỏ thì dán lên bao bì, tùy loại. “Vì hôm nay là ngày đầu tiên thực hiện nên chúng tôi cũng chưa nắm hết tình hình. Với những nhà sản xuất chưa dán nhãn hoặc dán sai quy định, chúng tôi sẽ kiểm tra và có đề xuất xử lý sau” - ông Vinh nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét