Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Lễ hội trong khu phố cổ Hà Nội: Nhiều nỗi lo

PN - Khu phố cổ Hà Nội là di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng từ năm 2004. Cuối tuần qua, tại Hà Nội, đề án nghiên cứu tổ chức lễ hội (LH) truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm đã được đem ra bàn bạc tại cuộc hội thảo do UBND Q.Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội tổ chức.

Đề án có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và đơn vị quản lý văn hóa... với 15 chuyên đề và tham luận. Theo đó, 14 LH tiêu biểu sẽ được phục dựng tại 10 phường và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Tái hiện nét văn hóa truyền thống trong lễ hội Trung thu phố cổ

Theo tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội, đề án đưa ra cách thức tổ chức các LH vừa bám sát nguyên gốc, vừa phù hợp với hoàn cảnh phố phường, đô thị chật hẹp. Việc khôi phục các LH truyền thống cần đảm bảo cả phần lễ và phần hội, căn cứ vào truyền thống, nghi thức xưa trên cơ sở xem xét kỹ lịch sử của di tích, danh nhân và lịch sử để có sự điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh sống của người dân, khuôn viên di tích và các điều kiện chung của khu phố cổ hiện tại.

Tuy nhiên, không ít người lo âu vì vấn đề kinh phí tổ chức LH đến nay vẫn bỏ ngỏ. Có lẽ vì vậy mà LH truyền thống Liên khu I ghi nhận chiến công của quân và dân Liên khu I và Trung đoàn Thủ đô trong những ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946, dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 12 này nhưng không được thực hiện. Một vấn đề quan trọng nữa là làm sao thu hút người dân trong khu vực phố cổ tham gia vào các hoạt động của LH, nhất là trong điều kiện đa phần dân cư đều bận rộn với các hoạt động kinh doanh.

Hội thảo còn đặt ra vấn đề khôi phục các LH gắn liền với tu bổ, tôn tạo di tích xem ra cũng không dễ thực hiện. Thực tế, theo thống kê chưa chính thức, tại Q.Hoàn Kiếm, có khoảng 500 hộ dân, với gần 2.000 nhân khẩu đang sinh sống trong các di tích. Chỉ riêng nhà số 50 phố Hàng Bạc nguyên là đình Trương Thị (xây dựng năm 1811) đã có đến 20 hộ dân sống trong đình.

LH là một trong những giá trị văn hóa phi vật thể có vị trí đặc biệt, góp phần tạo nên hồn vía cho phố cổ Hà Nội, đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Hà Nội. Khi đề án này được triển khai, không chỉ du khách mà người Hà Nội cũng có dịp được sống với các nghi thức cúng, tế lễ.

TS Lê Thị Minh Lý - Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) cho rằng, dù ai đứng ra tổ chức thì cũng cần phải đầu tư và nghiên cứu công phu mới gặt hái được thành công và phải làm từng bước thận trọng thì các giá trị truyền thống mới thực sự sống lại được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét